Hàng ngàn người ở thị trấn nhỏ Schortens ở miền Bắc nước Đức phải thực hiện lại quy trình tiêm chủng, chỉ vài tháng sau khi họ được chủng ngừa Covid-19, chính quyền địa phương đã tiết lộ sau một cuộc điều tra về vụ bê bối tiêm chủng lớn này.
Theo truyền thông Đức, ông Sven Ambrosy, người đứng đầu chính quyền của quận Friesland - nơi có thị trấn Schortens - cho biết: "Tổng số 8.557 người có thể đã không nhận được sự bảo vệ của vắc-xin một phần hoặc toàn bộ. Các nhà chức trách địa phương hiện đang cố gắng liên lạc với tất cả những người có khả năng bị ảnh hưởng và thiết lập một đường dây nóng cho những người sẵn sàng giải quyết tình hình của họ".
Những người bị ảnh hưởng chủ yếu bao gồm những người già trên 70 tuổi, những người đã tiêm vắc-xin từ ngày 5-3 đến ngày 20-4 tại một trung tâm tiêm chủng của quận Friesland ở thị trấn Schortens-Roffhausen. Vấn đề là họ thực sự không bao giờ được tiêm vắc-xin mà bị tiêm một dung dịch nước muối sinh lý.
Một người đàn ông được tiêm vắc-xin khi lái xe qua thị trấn Meerbusch, gần TP Dusseldorf - Đức. Ảnh: Xinhua
Ông Peter Beer, phó cảnh sát trưởng địa phương, cho biết: "Chúng tôi có những nghi ngờ có cơ sở về sự nguy hiểm. Tuy nhiên, sự cố dường như không chỉ là "một sai lầm đơn giản".
Sự việc xảy ra do một cựu nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Đức được giao nhiệm vụ chuẩn bị các ống vắc-xin Covid-19 gây ra.
Vào cuối tháng 4, người phụ nữ làm việc tại trung tâm tiêm chủng thú nhận với đồng nghiệp của mình: Cô đã đổ đầy nước muối vào các ống vắc-xin sau khi làm rơi vỡ nhiều lô vắc-xin Pfizer thật và cố gắng che đậy sự việc này.
Vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã phải kiểm tra khoảng 200 người, những người được tiêm vào một ngày nhất định, vì không rõ ai được tiêm nước muối. Y tá này ngay lập tức bị chấm dứt hợp đồng khi các nhà chức trách cũng tiến hành một cuộc điều tra về vụ việc.
Rõ ràng là có nhiều người bị ảnh hưởng hơn những gì xảy ra trước đây. Tổng cộng 9.673 người đã nhận được mũi tiêm từ ngày 5-3 đến ngày 20-4, mặc dù không phải tất cả họ đều có thể bị ảnh hưởng.
Hiện cảnh sát tin rằng toàn bộ vụ việc có thể có động cơ chính trị. Các điều tra viên đã phát hiện ra rằng y tá được đề cập trên đã chia sẻ các bài đăng chỉ trích vắc-xin và các biện pháp của chính phủ Đức đã thực hiện để chống lại đại dịch trên mạng xã hội trước ngày 21-4.
Hiện nay, một ủy viên cảnh sát đặc biệt về tội phạm có động cơ chính trị đã tiếp nhận cuộc điều tra.
Theo truyền thông Đức, y tá này giữ im lặng trước những cáo buộc mới.
Đức không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến những vụ việc như vậy trong chiến dịch tiêm chủng. Ở nước Pháp láng giềng, khoảng 140 người đến trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện ĐH Reims ở thị trấn Epernay, cách Paris 130 km về phía Đông Bắc, cũng được tiêm nước muối thay vì tiêm thuốc thật. Vụ việc diễn ra vào tháng 4, là kết quả của một sai sót không rõ nguyên nhân của các nhân viên y tế Pháp.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!