Chính phủ Armenia cho biết ít nhất 1,5 triệu người dân của họ đã bị giết chết trong vụ thảm sát đẫm máu hồi năm 1915. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng số người thiệt mạng thấp hơn nhiều, đồng thời từ chối đó là hành động “diệt chủng” dù thừa nhận có “khá nhiều người Armenia bị giết vào thời điểm đó”.
Ngày 1-6, các nghị sĩ Đức tuyên bố vụ thảm sát năm 1915 do Đế chế Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đã phạm tội “diệt chủng”. Tuyên bố được đưa ra trong một nghị quyết mang tính biểu tượng và được Quốc hội Đức thông qua.
Theo Chủ tịch Hạ viện Đức Norbert Lammert, chỉ có 1 nghĩ sĩ bỏ phiếu chống lại nghị quyết và 1 người bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức không tham gia bỏ phiếu. Gần 12 quốc gia khác bao gồm Pháp và Nga cũng thông qua các nghị quyết tương tự.
Phát ngôn viên Đảng AKP cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó lên án cuộc bỏ phiếu làm “hư hại nghiêm trọng” quan hệ giữa 2 nước.
Tân Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chỉ trích nghị quyết là bước đi “không hợp lý ” cũng như “lố bịch” của Berlin. Ông Yildirim còn khẳng định sẽ kiểm tra mối hệ hữu nghị giữa các thành viên NATO.
Các quan chức Đức hy vọng nghị quyết sẽ không gây ảnh hưởng đến thỏa thuận nhập cư giữa Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người cảm thấy khó xử nhất lúc này có lẽ là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hãng tin Reuters cho biết, bà Merkel không thể làm gì để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu do phe đối lập khởi xướng. Cuộc bỏ phiếu này cũng được các nghị sĩ trong khối bảo thủ của bà cùng Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) hỗ trợ.
Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng trong năm nay liên quan tới vụ diễn viên hài Jan Boehmermann làm thơ về nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Hồi tháng trước, tòa án TP Hamburg – Đức ra phán quyết bài thơ của Boehmermann mang tính châm biếm.
Bình luận (0)