Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak viết trên Twitter: "Bộ trưởng Quốc phòng Đức xác nhận sẵn sàng triển khai bệ phóng Patriot gần biên giới Ukraine. Các vấn đề về phiên bản hệ thống tên lửa cũng như tiến độ triển khai và chúng sẽ đặt ở đó bao lâu vẫn đang được xác định".
Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay Berlin đã cung cấp cho Warsaw hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để giúp đảm bảo không phận sau khi một tên lửa rơi ở Ba Lan hồi tuần trước.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như RTX.N Patriot của tập đoàn Raytheon được chế tạo để đánh chặn các tên lửa bay tới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Reuters
Chính phủ Đức cho biết họ sẽ đề nghị hỗ trợ thêm cho nước láng giềng trong việc kiểm soát không phận bằng các máy bay chiến đấu Eurofighter của Đức sau vụ việc, điều này ban đầu làm dấy lên lo ngại rằng xung đột ở Ukraine có thể lan sang biên giới.
Trong diễn biến liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) Alexey Likhachev hôm 21-11 cho rằng các cuộc tấn công bằng pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye gây nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.
Moscow kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công khai thừa nhận Kiev đang pháo kích cơ sở này và yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công. Theo đài RT, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga kể từ ngày 28-2. Mặc dù các lò phản ứng đủ vững chắc để chịu được đạn pháo nhưng việc làm hỏng các thùng chứa nhiên liệu đã qua sử dụng có nguy cơ giải phóng chất phóng xạ vào khí quyển, gây ra những hậu quả khó lường.
Các chuyên gia của IAEA đã hoàn thành việc kiểm tra cơ sở vào chiều 21-11 và gửi báo cáo của họ về trụ sở chính. Trợ lý của Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev cho hay Rosatom đang "thực hiện các bước" để củng cố cơ sở lưu trữ nhiên liệu và các khu vực khác của nhà máy dù không cung cấp thông tin chi tiết.
Bình luận (0)