Tay súng bắn chết 9 người tuổi từ 15 đến 21 (ngoại trừ 1 phụ nữ 45 tuổi) và làm bị thương 27 người, gồm nhiều trẻ em, tại trung tâm mua sắm Olympia, TP Munich - Đức vào chiều tối 22-7 (giờ địa phương) được xác định là một thanh niên 18 tuổi mang 2 quốc tịch Đức và Iran.
Không có liên hệ với IS
Cảnh sát trưởng TP Munich Hubertus Andrae cho biết kẻ tấn công dùng súng lục bắn vào đám đông tại một nhà hàng thức ăn nhanh của McDonald’s trên đường Hanauer trước khi chạy sang trung tâm mua sắm Olympia gần đó. Một cảnh sát tuần tra khu vực phát hiện và bắn tay súng bị thương nhưng hắn trốn thoát. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, xác kẻ tấn công được tìm thấy ở ngoại ô Moosach, cách hiện trường 1 km về phía Tây Bắc với 1 khẩu súng ngắn và hơn 300 viên đạn trong ba-lô. Nhà chức trách cho biết hắn tự sát và hành động một mình.
Danh tính nghi phạm cũng như động cơ vụ tấn công chưa được tiết lộ. Được biết hắn không có tiền án hoặc tiền sự, đã sống ở Munich ít nhất 2 năm. Trước khi nổ súng, kẻ tấn công hét “Ta là người Đức” và “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại), tương tự các vụ tấn công Hồi giáo cực đoan - trong đó có nhiều vụ do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Andrae khẳng định sau khi cảnh sát kiểm tra phòng ngủ của tay súng, họ tìm thấy một số tài liệu về các vụ xả súng nhưng không có dấu hiệu liên quan tới IS. Thay vào đó, theo cảnh sát, hắn “có liên hệ rõ ràng” với Anders Behring Breivik, kẻ sát thủ Na Uy giết chết 77 người đúng vào ngày 22-7 của 5 năm trước (2011). Breivik đang chịu bản án 21 năm tù được tuyên vào năm 2012. Chưa hết, cơ quan công tố Munich cho hay nghi phạm xả súng từng bị bắt nạt trong khoảng thời gian 2010-2012 và có thể đang phải điều trị chứng trầm cảm.
Đề phòng “sói đơn độc”
Trước khi xảy ra vụ xả súng, lực lượng an ninh Đức đã đề cao cảnh giác sau vụ một thiếu niên nhập cư Afghanistan 17 tuổi dùng rìu và dao làm bị thương 5 người trên chuyến tàu ở TP Wurzburg, bang Bavaria hôm 18-7. Nghi phạm bị bắn chết lúc bỏ trốn còn IS tuyên bố tên này là một thành viên của chúng.
Thủ tướng Angela Merkel lập tức triệu tập một cuộc họp hội đồng an ninh hôm 23-7, sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thomas de Maiziere cảnh báo nước này có thể đối mặt làn sóng tấn công do “sói đơn độc” hoặc các nhóm nhỏ thực hiện. Cảnh báo này không phải không có cơ sở khi Đức trước đó tiếp nhận khoảng 1,1 triệu người tị nạn trong cuộc khủng hoảng di cư hồi năm ngoái, chủ yếu chạy trốn xung đột và đói nghèo ở Syria, Bắc Phi và châu Á. Kể từ đó, căng thẳng giữa người bản địa và dân nhập cư đã tăng lên.
Theo chuyên gia cấp cao Shashank Joshi tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), có nhiều lý do khiến Đức trở thành mục tiêu bị tấn công. Trước hết, nước này chứng kiến một số lượng đáng kể công dân của mình bỏ trốn tới Iraq và Syria để gia nhập hàng ngũ thánh chiến - hơn 700 nam giới và phụ nữ, theo ước tính mới nhất. Nhiều người trong số họ sau đó có thể đã trở lại quê nhà để âm mưu khủng bố. Thêm vào đó, với tư cách thành viên NATO, Đức đóng vai trò quan trọng đối với các chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Trung Đông trong 15 năm qua, chọc giận không ít phần tử thánh chiến.
Theo ông Joshi, phe đối lập chắc chắn sẽ “soi” các vụ tấn công trên để cản trở chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà Merkel. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối chống nhập cư đã mượn vụ tấn công trên tàu của nghi phạm Afghanistan để lên án chính sách này. Bộ trưởng De Maiziere cho biết Berlin đã ban hành một loạt biện pháp siết chặt an ninh trong năm 2015 nhưng tình hình vẫn căng thẳng. Bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng bảo vệ an ninh đất nước của chính phủ cũng có thể khiến vị thế của bà Merkel suy yếu khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là tổng tuyển cử diễn ra.
Bình luận (0)