Trích dẫn thông tin của giới chức an ninh khắp nước Đức, báo The Wall Street Journal đưa tin ngày càng nhiều người tị nạn đến tham dự các buổi lễ tại nhà thờ Hồi giáo mà những kẻ quá khích cũng hay lui tới. Nhà chức trách Đức đã ghi nhận hơn 100 trường hợp những phần tử Hồi giáo cực đoan tìm cách tiếp xúc với người tị nạn. Những tên này gặp gỡ người tị nạn mới đến để đề nghị cung cấp cho họ thực phẩm, chỗ tạm trú, trang phục Hồi giáo truyền thống... Các cơ quan tình báo nhận định chiêu tuyển mộ như trên hiện chưa đạt hiệu quả nhưng có thể trở thành mối đe dọa không nhỏ về lâu dài.
Nước Đức dự kiến tiếp nhận khoảng 1 - 1,5 triệu người tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và châu Á trong năm nay, nhiều hơn so với các năm qua. Trong khi đó, một số tổ chức lên tiếng cảnh báo ngay cả khi tất cả người tị nạn không quan tâm đến khủng bố, họ vẫn có thể gây ra mối đe dọa đối với trật tự công cộng do quan điểm của họ về Israel, phương Tây cũng như những căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo.
Đối mặt sức ép từ cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2, lãnh đạo 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 29-11 để tìm giải pháp ứng phó. Tại cuộc họp, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý giúp EU ngăn dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu. Đổi lại, EU hứa hẹn nối lại cuộc đàm phán với Ankara về vấn đề gia nhập khối này và hỗ trợ 3 tỉ euro cho 2,2 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo báo Express (Anh), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ không đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng di dân nếu EU không kiểm soát chặt các đường biên giới bên ngoài khối. “Khoảng 1,5 triệu người đã vào EU trái phép trong năm 2015, hầu hết qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ” - quan chức này cho biết.
Bình luận (0)