Việc triển khai được giới chức quân sự Đức tiến hành từ ngày 23-1. Theo đó, 2 trong 3 tổ hợp phòng không Patriot đã được đưa tới thị trấn Zamosc của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine, nhằm ngăn chặn tên lửa bay lạc.
Việc Đức triển khai Patriot tới Ba Lan diễn ra sau vụ 2 người thiệt mạng vì một tên lửa Ukraine bay lạc rơi xuống ngôi làng Przewodow của Ba Lan hồi tháng 11 năm ngoái.
Sự cố làm dấy lên lo ngại về việc xung đột trên lãnh thổ Ukraine có thể tràn qua biên giới. Do đó, Berlin đã đề nghị triển khai ba đơn vị Patriot của mình tới Ba Lan để giúp bảo vệ không phận nước này.
Đức triển khai hệ thống phòng không Patriot tới Ba Lan hôm 23-1. Ảnh: Reuters
"Một trong những lý do Đức giờ đây sẽ hỗ trợ sườn phía Đông của NATO ở Ba Lan bằng hệ thống Patriot là bởi chúng tôi đã nhìn thấy xung đột giữa Nga và Ukraine có thể lan sang các nước thành viên NATO nhanh như thế nào" – hãng Reuters dẫn lời đại tá Joerg Sievers nói với phóng viên tại thị trấn Gnoien, phía Đông Đức, trước khi chuyển giao tên lửa.
Đại tá Sievers cũng sẽ chỉ huy các tổ hợp tên lửa Patriot ở Ba Lan, còn nhấn mạnh: "Chúng tôi không phải là lực lượng phòng thủ duy nhất trên mặt đất, người Anh và người Mỹ cũng có mặt. Patriot là một hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt và chúng tôi hy vọng có thể cung cấp đủ khả năng bảo vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công hoặc tai nạn như hồi tháng 11 năm ngoái".
Đức triển khai Patriot tới Ba Lan chặn tên lửa bay lạc
Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, biến thể Patriot PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m,
Phiên bản mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3 có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Bình luận (0)