Theo mô tả của hãng tin AP, đạn hơi cay và lựu đạn gây choáng đã được sử dụng để giải tán đám đông biểu tình. Người biểu tình gốc Serbia đáp trả bằng cách ném đá và các vật cứng khác. Đã có nhiều tiếng súng vang lên và bạo loạn đã xảy ra. Một số xe cảnh sát Kosovo và một xe của các nhà báo đã bị hư hỏng.
KFOR, phái bộ gìn giữ hòa bình do tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại Kosovo, cho biết các binh sĩ bị thương thuộc lực lượng KFOR của Ý và Hungary. Họ đã trở thành đối tượng của các cuộc "tấn công vô cớ", bị thương do gãy xương và bỏng do vụ nổ của các thiết bị gây cháy, khi chống lại những phần tử ở vòng ngoài cuộc biểu tình.
Đài CNN dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ý cho biết 14 binh sĩ gìn giữ hòa bình KFOR của họ bị thương khi những người biểu tình ném "bom xăng, bên trong có đinh, pháo và đá".
KFOR bảo vệ tòa nhà hành chính của thị trấn Zvecan, phía Bắc Kosovo, ngày 29-5. Ảnh: AP
KFOR đụng độ với người biểu tình gốc Serbia tại thị trấn Zvecan ngày 29-5. Ảnh: Reuter
Tờ Eastern Bay Times dẫn lời Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết quân đội Serbia đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất và đã có 52 người Serbia ở Kosovo bị thương trong các cuộc bạo loạn, trong đó có 3 người bị thương rất nặng.
Trong khi đó, Đài truyền hình nhà nước RTS của Serbia dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết 2 người Serbia bị thương trong các cuộc đụng độ.
KFOR đã triển khai binh lính tới các tòa thị chính ở Zvecan, Leposavic và Zubin Potok. Lực lượng an ninh Kosovo cũng được triển khai phía sau các lực lượng KFOR.
Theo Mehr News Agency, KFOR đã bắt các thành viên của Serb List - đảng chính trị của người Serbia thiểu số ở Kosovo - đứng sau hàng rào của họ. KFOR đã lên án các hành vi bạo lực, kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể dẫn tới bạo loạn, làm leo thang căng thẳng.
Căng thẳng đã gia tăng trong tuần qua sau khi các thị trưởng gốc Albania nhậm chức ở phía Bắc Kosovo, khu vực có đa số người Serbia ở Kosovo, sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 mà người Serbia ở Kosovo tẩy chay.
Đây là cuộc biểu tình thứ hai được tổ chức trong 4 ngày trở lại đây. Tuần trước, người gốc Serbia đã tập trung tại đô thị Zvecan để ngăn các thị trưởng người Albania mới đắc cử nhận nhiệm vụ.
KFOR cho biết những diễn biến gần đây thúc đẩy họ tăng cường hiện diện ở phía Bắc nước này, nơi đã trở nên bạo lực. Ảnh: EPA
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov mô tả tình hình ở Kosovo là "đáng lo ngại", đổ lỗi cho Mỹ và NATO. Trong khi đó, NATO lên án các cuộc tấn công vào KFOR ở phía Bắc Kosovo.
Serbia chỉ trích KFOR, cáo buộc họ không ngăn chặn "các hành động tàn bạo" của cảnh sát Kosovo đối với người gốc Serbia.
Thủ tướng Serbia Ana Brnabić đã mô tả sự hiện diện ngày càng tăng của KFOR ở miền Bắc Kosovo vào ngày 29-5 là "muộn màng", cho rằng "nhiệm vụ của sứ mệnh quốc tế này là bảo vệ lợi ích và hòa bình của người dân ở Kosovo và Metohija, chứ không phải những kẻ chiếm đoạt".
Kosovo đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng sắc tộc tiếp theo sau xung đột năm 1999. Người Serbia ở khu vực phía Bắc Kosovo không chấp nhận việc Kosovo tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia hồi 2008 và vẫn coi Belgrade là thủ đô của họ.
Bình luận (0)