Cuối cùng, "gã khổng lồ" dài 300 m - gấp đôi kích cỡ của tàu Titanic - cũng được hơn 500 kỹ sư, thợ lặn và nhân viên cứu hộ đến từ hơn 25 quốc gia nâng dậy khỏi bãi đá ngầm. Cuộc giải cứu bắt đầu từ 9 giờ sáng 16-9 và thành công lúc 4 giờ sáng 17-9 (giờ địa phương).
Con tàu được hệ thống ròng rọc kéo lên dần dần, sau cùng "ngồi" vào một nền thép được khoan vào lớp đá granite dưới biển. Mạn trái của tàu vẫn giữ nguyên màu trắng trong khi mạn phải phủ một lớp váng màu nâu và tảo sau 20 tháng bị ngâm dưới nước biển. Trên mạn phải là 2 lỗ hổng lớn, dấu tích mà cú va chạm với đá ngầm để lại.
Tàu du lịch Costa Concordia được trục vớt thành công. Ảnh: BBC
Ông Nick Sloane, chỉ huy đội trục vớt người Nam Phi, vui mừng: "Đó là một cuộc chiến, nhưng cả đội đã rất tuyệt vời. Tôi nghĩ cả đội rất tự hào khi đã làm được điều mà mọi người nghĩ không thể xảy ra". Ông Franco Porcellacchia, chủ sở hữu con tàu, cũng hồ hởi: "Tôi phải nói rằng hoạt động trục vớt con tàu thật hoàn hảo”.
Giới chức khẳng định, sau cuộc trục vớt chưa từng có trong lịch sử hàng hải, vùng biển quanh con tàu không bị ô nhiễm. Trong nhiều tuần tới, mạn phải con tàu sẽ được vá lại trước khi kéo tàu về cảng tháo dỡ. Giai đoạn tiếp theo này dự kiến diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa hè năm sau.
Tàu Costa Concordia đâm phải đá ngầm và bị lật nghiêng sát đảo Giglio, phía tây nước Ý, hồi tháng 1-2012. 32 người trong số hơn 4.000 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đã thiệt mạng. Thuyền trưởng Francesco Schettino đang bị xét xử tội ngộ sát và làm đắm tàu. Phiên tòa dự kiến tiếp tục vào cuối tháng 9.
Hoạt động trục vớt diễn ra suốt đêm. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)