"Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này cả. Tốc độ của nó thật điên rồ. Chỉ trong giây lát, những thân cây đã trôi trên đường" - ông Frank Poschmann, một người đàn ông 60 tuổi sống ở 1 thị trấn ngoại ô TP Hagen, kể lại.
Được biết, ông Poschmann chứng kiến căn hầm của mình bị ngập trong vài giây. Chưa đầy một phút, nước đã tràn vào tầng đầu tiên của nhà ông. Ông đã sơ tán đến nhà của con trai từ hôm 14-7 và quay về nhà vào ngày 16-7 để xem xét thiệt hại.
Được báo trước nhiều ngày, lũ lụt Tây Âu vẫn gây thiệt hại khó lường
Hohenlimburg chỉ là 1 trong hàng trăm thị trấn, làng mạc và cộng đồng ở Tây Âu bị hủy hoại sau khi lũ lụt kinh hoàng càn quét khu vực. Đợt lũ này đã làm thiệt mạng ít nhất 128 người tại Đức, Bỉ và hàng trăm người mất tích.
Một đoàn tàu bị ngập trong nước ở Đức. Ảnh: AP
Ảnh: AP
Tại Đức, số người chết được xác định là ít nhất 108 người tính đến khuya 16-7 (giờ địa phương) nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên. Ngoài ra, cơ quan chức trách thông báo có hơn 1.000 người mất tích nhưng con số này cao có thể là do báo cáo trùng lặp hoặc khó khăn trong việc tiếp cận người dân.
Tại Bỉ, chính phủ xác nhận số người chết là 20 người và 21.000 người đang rơi vào tình trạng mất điện ở 1 khu vực. Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, làm ngập lụt nhiều khu vực và buộc hàng nghìn người phải sơ tán ở thành phố Maastricht.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông "choáng váng" trước sự tàn phá của lũ lụt và cam kết hỗ trợ gia đình những người thiệt mạng và các thành phố, thị trấn đang phải đối mặt với thiệt hại đáng kể.
Thiệt hại ở thị trấn Schuld - Đức. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Ảnh: AP
Tại Bỉ, quân đội đã được cử đến 4 trong số 10 tỉnh để giúp cứu hộ và sơ tán. Tại Thụy Sĩ, các hồ và sông cũng dâng nước nhanh chóng sau trận mưa lớn trong đêm. Đặc biệt, ở TP Lucerne, hồ Lucerne đã bắt đầu tràn nước vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tình hình đã khả quan hơn vào ngày 16-7 khi mực nước bắt đầu giảm trở lại.
Các cơn bão nghiêm trọng đã khiến biến đổi khí hậu trở lại thành trọng tâm của chiến dịch bầu cử Đức trước cuộc thăm dò ngày 26-9 đánh dấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel.
Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết Đức "phải chuẩn bị tốt hơn nhiều" trong tương lai và nói thêm rằng "thời tiết khắc nghiệt này là hậu quả của biến đổi khí hậu". Ở các khu vực đô thị có hệ thống thoát nước kém và các tòa nhà nằm trong vùng lũ lụt, thiệt hại có thể rất nghiêm trọng.
Bình luận (0)