xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đuổi bóng ma đi

Cao Tuấn

Vụ đánh bom bất thành trên chuyến bay của hãng Northwest Airlines giữa bầu trời nước Mỹ hôm 25-12-2009 còn ám ảnh nhiều người, không chỉ là người Mỹ. Bóng ma 11-9 lại hiện ra sau gần 9 năm, vẫn lồng lộng và lạnh lùng.

Một trí tưởng tượng bình thường nhất cũng có thể hình dung số phận chiếc máy bay chở 290 người hôm đó sẽ ra sao nếu như Umar Farouk Abdulmutallab, một người Nigeria 23 tuổi, từng học ngành kỹ sư ở Đại học London, “hoàn thành sứ mệnh” của mình. Sự việc diễn ra chỉ 20 phút trước khi chiếc máy bay đáp xuống sân bay thành phố Detroit vào dịp lễ Giáng sinh, chuẩn bị khép lại một năm sóng gió ở nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

img
Siêu sao điện ảnh Angelina Jolie vui đùa với trẻ em trong chuyến thăm Afghanistan trên cương vị Đại sứ Thiện chí của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR). Ảnh: abc News


Vụ đánh bom bất thành, trước hết, đã bộc lộ những lỗ hổng chết người trong hệ thống an ninh của một quốc gia có nền quốc phòng được coi là hùng mạnh nhất thế giới. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng thống Barack Obama và một số nghị sĩ Dân chủ đã chỉ trích gay gắt hệ thống an ninh hiện hành, nhận ra ở đó sự chắp vá, rạn nứt suốt nhiều năm kể từ sau sự kiện 11-9.


Chính sách đối nội hợp lòng dân và đối ngoại hòa bình mới chính là lá chắn bảo vệ an ninh quốc gia tốt nhất

Rồi tại một cuộc họp kín, căng thẳng ở Nhà Trắng hôm 5-1, ông Obama đã kịch liệt phê phán hàng chục quan chức an ninh cao cấp nhất vì đã không thể ngăn chặn âm mưu đánh bom suýt dẫn đến hậu quả thảm khốc cho dù các cơ quan tình báo đã có đủ thông tin cho việc kết nối, khả dĩ loại trừ mối đe dọa từ đầu.
 
Ông phải thừa nhận với dân chúng Mỹ rằng cơ quan tình báo đã thất bại và “tôi sẽ không tha thứ cho điều này”. Dưới áp lực từng giờ và cũng không thể né tránh, hai ngày sau, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair và Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, đã thừa nhận sai lầm trong cách xử lý thông tin tình báo.

img
Ông Robert Gates - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: ”Chúng tôi không biết Bin Laden đang ở đâu!”. Ảnh: REUTERS


Theo lịch trình, Ủy ban Tình báo Thượng viện tổ chức cuộc điều trần vào ngày 21-1 và chắc chắn Giám đốc Dennis Blair phải vất vả chống đỡ hàng loạt câu cật vấn. Theo cách nói của ông Obama, có lẽ sẽ có ai đó phải ra đi.

Nhưng về phần mình, ông Obama cũng đang chịu áp lực không nhỏ từ công luận Mỹ, sau khi xảy ra không phải một mà là hai thất bại liên tiếp - vừa thiệt hại lớn vừa làm bẽ mặt - trong tuần lễ cuối cùng của tháng 12. Vụ thứ nhất đã rõ. Còn vụ thứ hai là cái chết của 7 nhân viên CIA tại căn cứ quân sự Forward Operating Base Chapman ở Afghanistan mà thủ phạm lại là một kẻ tình nghi gián điệp hai mang.

Với việc chọn không gian và thời gian cho cuộc tấn công mới, al-Qaeda muốn tạo ra một sự kiện mang tính biểu tượng.


Ba ngày sau vụ đánh bom bất thành, tổ chức al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập (AQAP) đã lên tiếng nhận trách nhiệm và cho rằng  kết quả như vậy “cũng đã là thành công”. Rõ ràng al-Qaeda đang muốn lôi kéo sự chú ý, muốn nói với thế giới rằng tổ chức khủng bố này đang tồn tại.

img
Lính Mỹ tuần tra tại Kabul, Afghanistan. Ảnh: netlife.vietnamnet.vn


Và thực tế, từ sau sự kiện 11-9-2001, dù Mỹ đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, vật lực cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố thì al-Qaeda vẫn còn đó, kiêu hãnh, thách thức, với kiểu tấn công mới và điểm xuất phát mới. Yemen- nơi Abdulmutallab thú nhận được huấn luyện và nhận chỉ thị của al-Qaeda- là một trong những địa chỉ mới như vậy.

Nhớ lại cuối năm 2001, khi liên quân do Mỹ cầm đầu lật đổ lực lượng Taliban ở Kabul (Afghanistan), nhiều thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, bao gồm cả trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden, đã về ẩn náu tại vùng núi Tây Bắc Pakistan. Tổng thống Obama nhận định vùng biên giới này là trung tâm của các hành động bạo lực đẫm máu nhằm vào Mỹ và phương Tây. Do đó, không khó hiểu khi ông quyết định tăng 30.000 quân tại Afghanistan và đòi hỏi tinh thần nhập cuộc nhiều hơn từ phía Pakistan nhằm siết gọng kìm tại khu vực yết hầu này.

Thế nhưng, kiểu đánh “giương đông kích tây”, với điểm xuất phát mới từ nhánh al-Qaeda ở Yemen, khiến người Mỹ không khỏi bất ngờ. Sương mù bí ẩn càng dày đặc hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói về trùm khủng bố: “Chúng tôi không biết Bin Laden đang ở đâu. Nếu biết, chúng tôi đã đến bắt y”. Rõ ràng, lời thừa nhận toát lên điều gì đó nặng nề.


Nhà chức trách Mỹ rơi vào lúng túng. Cách thức tăng cường các biện pháp an ninh hàng không của Mỹ sau đó không chỉ làm căng thẳng bầu không khí trong nước mà còn gây quan ngại, chia rẽ trên thế giới. Đáng chú ý là quy định hành khách trên các chuyến bay từ 14 nước bị xem là “tài trợ khủng bố” hoặc “thuộc diện quan tâm” sẽ phải trải qua các thủ tục an ninh nghiêm ngặt mới. Ngay lập tức, Nigeria gọi các biện pháp an ninh này của Mỹ là “phân biệt đối xử”, trong khi Cuba cho đó là một “chỉ thị tuyệt vọng” và “hoang tưởng về chống khủng bố”. Một số nước khác cũng bày tỏ sự giận dữ, thất vọng.


Các biện pháp an ninh nói chung, dù hữu hiệu cách mấy, vẫn chỉ là giải pháp tình thế có giới hạn, không phải là lá chắn tốt nhất để bảo vệ an toàn cho bất cứ quốc gia nào. Chìa khóa của sự an toàn nằm ở chính sách đối nội hợp lòng dân và đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Và đó là cách tốt nhất để đuổi bóng ma đi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo