Thảm kịch động đất năm 1979 tại Ecuador đã giết chết 600 người và làm 20.000 người bị thương, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Ít nhất 246 người đã thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra lúc 18 giờ 58 phút (giờ địa phương) tại Ecuador hôm 16-4. Tuy nhiên, con số thương vong có thể còn tăng khi một số khu vực bị ảnh hưởng vẫn chưa được tiếp cận.
Mạnh nhất từ năm 1979
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu 19,2 km và cách thị trấn Muisne (thuộc tỉnh Esmeraldas) khoảng 27 km. Sức tàn phá của nó lan đến tận TP Guayaquil, cách tâm chấn hơn 300 km về phía Nam.
Đây được xem là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận kể từ năm 1979. Khoảng 163 cơn dư chấn từ 2,6 đến 6 độ Richter cũng được ghi nhận sau đó. Do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên Ecuador không xa lạ gì với các trận động đất mạnh từ 7 độ Richter trở lên.
Phó Tổng thống Jorge Glas cho biết không có cảnh báo sóng thần ở khu vực bờ biển và người dân sống nơi đây có thể trở về nhà. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương vào gần nửa đêm 16-4 (giờ địa phương) cũng nhận định mối đe dọa đã qua sau khi đưa ra cảnh báo sóng thần trước đó.
Dù vậy, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố khắp nước trong lúc lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt bên dưới những tòa nhà sụp đổ. Vội vã trở về từ chuyến thăm Ý vào tối 17-4, Tổng thống Rafael Correa tuyên bố trên Twitter. "Ưu tiên hàng đầu là cứu người".
Cơ quan quản lý rủi ro Ecuador cho hay 10.000 binh sĩ đã được triển khai đến giúp đỡ người dân ở khu vực ven biển. Trong khi đó, 3.500 cảnh sát và 500 lính cứu hỏa được điều đến những thị trấn bị thiệt hại nặng nề nhất.
Hội Chữ thập đỏ Ecuador cho biết hơn 1.200 tình nguyện viên đã tham gia các hoạt động giải cứu, sơ tán và hỗ trợ ban đầu. Đội xử lý thảm họa động đất đặc nhiệm từ Colombia và Mexico cũng sẽ đến hỗ trợ Ecuador. Dù vậy, các vụ lở đất đang cản trở hoạt động cứu hộ.
Phó Tổng thống Glas đã thúc giục người dân đoàn kết để vượt qua thảm họa này, đồng thời kêu gọi sự bình tĩnh, đặc biệt là ở TP Portoviejo, sau khi nhận được những báo cáo về tình trạng mất trật tự tại đây. Tổng thống Rafael Correa đã rút ngắn chuyến thăm tại Ý sau khi thiên tai xảy ra ở nước mình.
Thiệt hại nhiều nơi
Theo hãng tin AP, những tòa nhà ở thủ đô Quito, cách tâm chấn khoảng 160 km, đã rung lắc khoảng 40 giây khi trận động đất xảy ra và một số khu vực ở thành phố này mất điện. Nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại. Một số tuyến đường cao tốc chính đã được phong tỏa.
Tại TP Manta, thuộc tỉnh Manabi, sân bay phải đóng cửa vì trạm kiểm soát không lưu bị hư hỏng. Một nhà máy lọc dầu lớn ở tỉnh Esmeraldas cũng tạm dừng hoạt động. Tại TP Guayaquil, tỉnh Guayas, một cây cầu vượt bị sập đè lên chiếc xe khiến 1 người thiệt mạng. Nhiều tòa nhà ở thành phố này cũng rung lắc vì động đất.
Bà Carla Peralto, cư dân ở Boyaca, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nói với đài BBC: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến trận động đất như thế này trong đời. Nó rất mạnh và tôi cảm thấy sợ vô cùng”.
Ông Gabriel Alcivar - người đứng đầu chính quyền thị trấn Pedernale, nơi gần tâm chấn trận động đất - cho hay hàng chục ngôi nhà bị san bằng và xuất hiện nạn cướp bóc. Ông lo ngại: “Không chỉ một căn nhà sụp đổ mà là toàn bộ thị trấn”.
Trận động đất cũng khiến quốc gia láng giềng Peru cảnh báo sóng thần ở bờ biển phía Bắc. Tại Colombia, một bệnh viện ở TP Cali đã được sơ tán. Tuy nhiên, không có thương vong nào được báo cáo tại 2 nước này.
Nhật chạy đua với thời gian
Không lâu sau trận động đất ở Ecuador, USGS hôm 17-4 thông báo một trận động đất 6,1 độ Richter làm rung chuyển quốc đảo Tonga tại Thái Bình Dương. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 66 km, cách thủ đô Nuku’alofa 277 km về phía Đông Nam. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Tonga đã loại trừ nguy cơ xảy ra sóng thần ở Úc.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, hàng ngàn nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm hơn 10 người vẫn còn mất tích theo sau các trận động đất liên tiếp làm rung chuyển tỉnh Kumamoto khiến 42 người thiệt mạng, 968 người bị thương vào tuần rồi.
Những trận lở đất sau động đất (trận mới nhất xảy ra rạng sáng 16-4, giờ địa phương) đã chặn và phá hủy cầu, đường sá khiến khó tiếp cận khu vực phía Đông Kumamoto, một thành phố 740.000 dân trên đảo Kyushu.
May là lượng mưa đêm 16-4 dường như không gây ra thêm nhiều vụ sạt lở và vơi đi phần nào nỗi lo của Thủ tướng Shinzo Abe rằng tình trạng sẽ tồi tệ hơn. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng việc tìm kiếm người sống sót phải chạy đua với thời gian.
Phát biểu tại thủ đô Tokyo, ông Abe cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang phối hợp với quân đội Mỹ tiến hành các chuyến bay cứu trợ.
Cùng lúc đó, Tokyo triển khai 25.000 thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia công tác cứu hộ. Có lẽ vấn đề đáng lo hiện nay là không có đủ thức ăn cho mọi người, như lời một công dân Mỹ tên Samuel Borer sinh sống ở Kumamoto.
Truyền hình địa phương phát đi cảnh quay cho thấy các kệ hàng ở siêu thị, cửa hàng đã sạch trơn. Ngoài ra, theo phóng viên đài CNN, hiện người dân và nhân viên cứu hộ vẫn nơm nớp lo sợ trước các dư chấn.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, trong ngày 17-4, khoảng 80.000 hộ gia đình ở Kumamoto vẫn còn mất điện. Hơn 1.000 tòa nhà bị hư hại trong các trận động đất, trong đó có ít nhất 90 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Huệ Bình
Bình luận (0)