Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hôm 16-1 đã hạ bậc tín dụng dài hạn của EFSF từ mức cao nhất AAA xuống AA+. Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi S&P có quyết định tương tự đối với Pháp và Áo, 2 trong số những nhà bảo đảm của EFSF.
Trong thông báo của mình, S&P cho biết quyết định trên là không thể tránh khỏi sau khi tổ chức này hạ bậc tín dụng của Pháp và Áo. Dù vậy, S&P cho biết sẽ phục hồi bậc AAA cho EFSF nếu quỹ này có thêm sự bảo đảm.
EFSF được 17 chính phủ khu vực đồng euro (eurozone) thành lập vào tháng 5-2010 với năng lực cho vay khoảng 440 tỉ euro nhưng hiện chỉ còn 250 tỉ euro sau khi được dùng để cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho Ireland và Bồ Đào Nha. EFSF dự kiến cũng sẽ đóng góp vào gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp.
Theo hãng tin Reuters, năng lực cho vay của EFSF phụ thuộc vào các nhà bảo đảm, trong đó chủ yếu là các quốc gia có bậc tín dụng AAA của eurozone. Hiện khu vực này chỉ còn 4 thành viên duy trì được bậc AAA là Đức, Luxembourg, Phần Lan và Hà Lan, không đủ để giúp EFSF có bậc tín dụng cao nhất.
Ông Klaus Regling, Giám đốc điều hành EFSF, cho biết việc bị hạ bậc tín dụng
sẽ không ảnh hưởng đến năng lực cho vay của quỹ. Ảnh: Getty Images
Phản ứng trước quyết định trên của S&P, EFSF cho biết việc bị hạ bậc tín dụng sẽ không ảnh hưởng năng lực cho vay của quỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng bậc tín dụng ngắn hạn của họ vẫn được S&P xếp ở mức cao nhất.
Ông Klaus Regling, Giám đốc điều hành EFSF, cho biết: “Chỉ mới có một cơ quan xếp hạng tín dụng hạ bậc tín dụng dài hạn của EFSF xuống mức AA+ nên năng lực cho vay của quỹ sẽ không suy giảm. EFSF có đủ công cụ để hoàn thành các cam kết hiện nay và trong tương lai cho đến khi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đi vào hoạt động vào tháng 7-2012”.
ESM là một quỹ giải cứu lâu dài của eurozone, dự kiến có năng lực cho vay khoảng 500 tỉ euro. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên eurozone vẫn chưa nhất trí được về cơ cấu chi tiết của ESM. Theo kế hoạch ban đầu, ESM sẽ ra đời vào tháng 7-2013 nhưng sau đó được đẩy lên sớm hơn một năm. Hiện những nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực làm việc để ESM có thể bắt đầu có hiệu lực trong 6 tháng tới.
Trong lúc chờ ESM hoạt động, các nước thành viên eurozone vẫn đang tranh cãi về vấn đề tăng cường năng lực cho vay của EFSF vốn bị xem là không đủ trong trường hợp Tây Ban Nha hoặc Ý gặp khó khăn.
Đức là nước phản đối mạnh mẽ việc tăng cường đóng góp thêm cho EFSF. Trong khi đó, một số nước thành viên khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Ủy ban châu Âu muốn quy mô của quỹ này phải lớn hơn.
Bình luận (0)