Sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Brussels - Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh hôm 19-2 đạt được thỏa thuận trong nỗ lực giữ nước này ở lại khối, theo đó cho phép London hưởng “quy chế đặc biệt”. Kết quả này sẽ dọn đường cho cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Anh ở EU được tổ chức vào ngày 23-6, theo công bố hôm 20-2 của Thủ tướng Cameron.
Thỏa thuận “công bằng”
Đạt được trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU, thỏa thuận trên gồm các điểm chính sau: cắt giảm lợi ích cho con cái những người di cư EU sống ở nước ngoài, áp dụng ngay lập tức cho những người mới đến và từ năm 2020 cho 34.000 người đang nộp đơn; sửa đổi các hiệp ước EU để Anh “được miễn trừ” đối với điều khoản xây dựng một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn; biện pháp “dừng khẩn cấp” quyền lợi của lao động nhập cư sẽ áp dụng trong 7 năm, tức ít hơn so với 13 năm mà thủ tướng Anh đề xuất ban đầu; khả năng cho nước Anh ban hành biện pháp khẩn cấp để bảo vệ khu tài chính của London.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mô tả thỏa thuận trên là “công bằng” trong lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nó sẽ “giúp Anh tiếp tục ở lại EU”. “Chúng tôi đã kiên trì đàm phán, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích cho mục đích chung nhằm thể hiện sự đoàn kết. Tôi có niềm tin tột độ rằng nước Anh cần châu Âu và châu Âu cần Anh. Thế nhưng, quyết định cuối cùng nằm trong tay người dân Anh” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố.
Trong khi đó, ông Cameron khẳng định đã đạt được những cải cách mà bản thân muốn thực hiện, giúp Anh là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và EU trở nên “linh hoạt hơn”.
Đau đầu đi hay ở?
Theo đài BBC, khả năng hạn chế lợi ích cho người di cư là chiến thắng quan trọng của ông Cameron nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư EU đến sống và làm việc tại Anh. Trái lại, những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận trên không giúp ích gì cho nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng di dân hoặc “giành lại quyền lực” từ Brussels.
Với viễn cảnh Anh “dứt áo ra đi”, EU sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai trong khối (xếp sau Đức), một quốc gia có quân đội quy mô giữa lúc khối này đối mặt không ít đe dọa về an ninh (từ Nga đến chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo) và 1 trong 2 ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (bên cạnh Pháp). Một khi kết thúc mối quan hệ bắt đầu từ năm 1973 này, Anh phải đàm phán lại các thỏa thuận, hiệp ước với các đối tác thương mại lớn. Ông Cameron cũng cảnh báo rời bỏ EU là “một điều nguy hiểm” trong một thế giới không chắc chắn.
Hơn nữa, theo báo Mỹ The Wall Street Journal, một kết quả không như ý trong cuộc trưng cầu ý dân không chỉ khiến tương lai chính trị của ông Cameron bị đe dọa mà còn có thể châm ngòi cho nỗ lực ly khai ở Scotland, nơi nhiều người dân có lập trường thân EU. Chưa hết, mối quan hệ giữa Anh với các đồng minh, như Mỹ, cũng bị ảnh hưởng bởi London là cầu nối đến châu Âu.
Thế nhưng, ngay cả khi người Anh chịu ở lại, việc London được trao thêm đặc quyền có thể thúc đẩy những nước thành viên EU khác đưa ra yêu sách của riêng mình.
“Nội chiến”
Với điều khoản thỏa thuận đạt được hôm 19-2 sẽ “tự hủy” nếu người dân Anh chọn “ly dị” EU, Thủ tướng David Cameron giờ đây đối mặt với cuộc chiến khó khăn ở nhà. Ngay sau khi về nước, hôm 20-2, ông Cameron gặp các bộ trưởng chủ chốt để thuyết phục họ ủng hộ thành quả mới đạt được. Theo đài BBC, các bộ trưởng có quyền vận động cho 2 hướng trong cuộc trưng cầu.
Trước mắt, một số đồng minh của ông Cameron trong Đảng Bảo thủ như Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, đã chống lại việc Anh tiếp tục làm thành viên EU. Họ tin rằng nước mình đã nhượng quá nhiều chủ quyền. Trái lại, những người ủng hộ ở lại EU cho rằng điều đó là cần thiết để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh của Anh.
Người dân Anh cũng đang chia rẽ sâu sắc. Trang Bloomberg dẫn kết quả của cuộc thăm dò mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường TNS cho thấy 39% số người được hỏi ủng hộ rời bỏ EU, 36% muốn ở lại và 25% chưa quyết định.
Bình luận (0)