Đại diện chính phủ và phe ly khai ở Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong ngày 30-1 tiến hành vòng đàm phán hòa bình mới nhất tại thủ đô Minsk - Belarus.
Tuy nhiên, Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak nhận định khả năng đột phá ở cuộc gặp lần này là rất thấp sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định gia hạn trừng phạt Nga một ngày trước đó. Ngoài việc kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt hiện nay đến tháng 9-2015, EU cảnh báo sẽ điền thêm những cái tên mới vào danh sách đen (hiện có hơn 100 cá nhân, tổ chức của Nga và Ukraine) sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12-2 tới.
Hoan nghênh động thái của EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định việc mở rộng các lệnh trừng phạt của EU “là một dấu hiệu nữa cho thấy các hành động trong vài ngày và vài tuần qua (của Nga) là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới các hậu quả mới”. Trái lại, đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov khẳng định quyết định trên cho thấy EU “một lần nữa đã bỏ lỡ cơ hội thoát khỏi lối mòn của sự nhận thức máy móc, giản đơn về tình hình miền Đông Ukraine cũng như lối mòn của việc gây áp lực bằng cách trừng phạt Nga và tiếp nhận thông tin thực tế hoàn toàn một chiều”.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết giới chức EU thực ra đã không thống nhất được các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Đài Press TV của Iran nhận định cuộc họp đã thể hiện những chia rẽ ngày càng gia tăng trong nội bộ EU về vấn đề trừng phạt Moscow. Một số nguồn tin tiết lộ nhiều quan chức đã không nhất trí về những cái tên mới được thảo luận để đưa vào danh sách trừng phạt trong thời gian tới. Chính quyền mới của Hy Lạp cũng tỏ rõ sự không đồng tình đối với việc thắt chặt trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias tuyên bố không có liên quan trực tiếp nào giữa trách nhiệm của Nga đối với sự leo thang chiến sự ở miền Đông Ukraine thời gian qua.
Trong một diễn biến đáng chú ý, hãng tin Reuters hôm 30-1 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Moscow và Washington đang đàm phán khả năng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Nga để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo nguồn tin này, chuyến thăm sẽ diễn ra “vào vài ngày hoặc vài tuần tới” nếu quá trình đàm phán kết thúc suôn sẻ. Báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn giấu tên nói ông Kerry sẽ tới Moscow để trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào 2 ngày 4 và 5-2. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm Moscow đầu tiên của ông Kerry kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, kéo quan hệ giữa hai bên xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.
Moscow chìa cành ô liu cho Athens
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis gặp gỡ ông Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Nhóm Các bộ trưởng tài chính của khu vực dùng đồng euro và ông Thomas Wieser - Trưởng Nhóm Công tác euro - ngày 30-1 để bàn bạc về sự sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận giải cứu tài chính giữa nước này và các chủ nợ quốc tế. Trước cuộc gặp, ông Dijsselbloem nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính phủ mới nhậm chức ở Hy Lạp thực hiện thỏa thuận trước đây và không nên tăng thêm chi tiêu.
Tương tự, theo hãng tin Reuters, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen và Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel hối thúc tân chính phủ Hy Lạp tiếp tục cuộc cải tổ đã nhất trí với các chủ nợ quốc tế. Ngoài ra, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định không có chuyện Liên minh châu Âu (EU) xóa nợ cho Athens nhưng sẵn sàng đối thoại với nước này.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 29-1 tuyên bố Moscow sẵn sàng xem xét vấn đề hỗ trợ Hy Lạp về tài chính nếu nhận được lời đề nghị từ phía nước này. Theo ông Siluanov, Nga sẽ xem xét mọi yếu tố trong mối quan hệ song phương giữa Moscow và Athens. Nhận định về phát biểu này, báo Bild (Đức) cho rằng đối với hoàn cảnh của Hy Lạp hiện nay, mối quan hệ hữu nghị và đề nghị hỗ trợ về tài chính từ Nga có thể còn quan trọng hơn tư cách thành viên EU. Tờ báo này cho biết thêm chỉ nửa giờ sau khi nhậm chức, Thủ tướng Tsipras đã tiếp đại sứ Nga ở Athens, còn các thành viên nội các mới của Hy Lạp từng nhiều lần bày tỏ thiện cảm đối với Nga.
Lục San
Bình luận (0)