Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra dự án đường sắt đầu tiên của Trung Quốc ở châu lục này trong động thái có thể gây khó cho tham vọng mở rộng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.
Phạm luật EU?
Theo tờ Financial Times (Anh), mục tiêu điều tra là kế hoạch xây tuyến đường sắt cao tốc dài 350 km, nối liền thủ đô Belgrade - Serbia và thủ đô Budapest - Hungary và có tổng giá trị 2,89 tỉ USD. Một khi được hoàn tất, tuyến đường mới sẽ giúp thời gian đi lại giữa hai thành phố giảm từ 8 giờ hiện nay xuống còn 3 giờ.
Giới chức châu Âu cho biết cuộc điều tra sẽ tập trung vào tính khả thi về tài chính của dự án. Một nội dung khác là liệu dự án có vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU), theo đó quy định các dự án giao thông lớn phải được đấu thầu công khai. “EC đang đánh giá vấn đề tuân thủ luật pháp EU của dự án. Cuộc đối thoại với chính quyền các nước liên quan đang diễn ra” - người phát ngôn EC nói.
Thỏa thuận được nhà chức trách Hungary và Serbia ký riêng với Trung Quốc. Tuy nhiên, do Hungary đang là thành viên EU nên thỏa thuận phải tuân thủ luật pháp châu Âu. Trong khi đó, Serbia chỉ mới được xếp vào danh sách ứng viên tiềm năng để kết nạp vào EU nên không phải chịu những quy định nghiêm ngặt như Hungary. Phần đường sắt dài 180 km trên lãnh thổ Serbia đã bắt đầu được xây vào cuối năm 2015.
Phản ứng trước thông tin về cuộc điều tra, Budapest khẳng định đã tham vấn với EU trước khi ký thỏa thuận với Bắc Kinh để xây phần đường sắt trên lãnh thổ mình, ước tính chi phí 1,8 tỉ USD. Truyền thông Trung Quốc đưa tin thỏa thuận này được ký tại một hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc cùng các nước khu vực Trung Âu và Đông Âu (theo mô hình 16+1) ở Latvia hồi tháng 11-2016. Theo thỏa thuận, 85% chi phí của dự án đến từ khoản cho vay có thời hạn 20 năm của Trung Quốc.
Dự án quan trọng
Đây không phải là lần đầu tiên EU mở cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Hungary vi phạm quy định đấu thầu. Hồi năm 2014, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng bị “soi” sau khi ký thỏa thuận với công ty năng lượng nhà nước Nga Rosatom về việc thực hiện một dự án năng lượng hạt nhân trị giá 12,5 tỉ euro được Moscow tài trợ.
Tuyến đường sắt Belgrade - Budapest được xem là một phần quan trọng của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 900 tỉ USD mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng nhằm phát triển hạ tầng và thu hút bạn bè ở châu Âu, châu Á và châu Phi. Vì thế, việc dự án này gặp bất kỳ trở ngại pháp lý nào cũng gây ra bối rối ngoại giao không nhỏ cho Bắc Kinh, cũng như đe dọa làm giảm tầm vóc của sáng kiến.
“Tuyến đường sắt này là một phần quan trọng của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Phần đường sắt ở Hungary được kỳ vọng sẽ trở thành một kiệt tác để chứng tỏ những công trình của người Trung Quốc có thể đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu” - ông Tamas Matura, trợ lý giáo sư tại Trường ĐH Corvinus (Hungary), nhận định.
Ngoài ý nghĩa về địa chính trị, tuyến đường sắt nói trên cũng có tầm quan trọng thiết thực với Bắc Kinh. Nó là một phần của dự án mà Trung Quốc và Hungary, Serbia, Macedonia nhất trí thực hiện hồi năm 2014 với mục tiêu kết nối với cảng biển Piraeus - nằm ở Địa Trung Hải tại Hy Lạp và hiện thuộc sở hữu của người Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng nếu không có tuyến đường sắt Belgrade - Budapest, Trung Quốc có thể gặp khó trong việc hiện thực hóa mong muốn vận chuyển hàng xuất khẩu đến Piraeus bằng đường sắt rồi từ đó vận chuyển bằng đường biển đến châu Âu, châu Phi và những nơi khác.
Bình luận (0)