Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19-6 (giờ địa phương) nói: "Pháp và Đức đảm bảo những ai đăng ký tị nạn trong khu vực Schengen sẽ được đưa về đất nước đầu tiên mà họ đến trong thời gian sớm nhất".
Nếu ý tưởng này thành hiện thực, Hy Lạp và Ý sẽ chịu tác động lớn nhất. Hy Lạp là điểm đến đầu tiên trong khối EU của những người tị nạn chạy trốn cuộc chiến Syria, còn Ý là "cổng ra vào" của di dân châu Phi qua ngả Libya.
Người nhập cư được cứu trên biển và đưa đến cảng Malaga - Tây Ban Nha hôm 18-6. Ảnh: R Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt rạn nứt trong liên minh cầm quyền khi các đối tác của bà đe dọa "đuổi" những di dân đã đăng ký ở các nước EU khác.
Hôm 18-6, đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) - đảng chị em với đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (SDU) của bà Merkel – ra thời hạn 2 tuần để nữ thủ tướng thuyết phục các cường quốc châu Âu khác tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư.
Trong ngày 20-6, Reuters đưa tin EU có một bản dự thảo tuyên bố, trong đó yêu cầu "hợp tác chặt chẽ để đối phó và chấm dứt dòng người tị nạn thứ phát (tức từ nước EU đầu tiên họ đặt chân đến tìm đường sang các nước EU khác)". Hướng giải pháp này có lợi cho bà Merkel vì sẽ làm suy giảm số người tìm đến Đức xin tị nạn.
Bà Merkel đón ông Macron đến Đức hôm 19-6. Ảnh: Reuters
Cơ quan bảo vệ biên giới EU cho biết hơn 90% số người nhập cư đến Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã đăng ký tị nạn ở đó. Thế nhưng, sau đó họ tiếp tục đi lên phía Bắc, bao gồm hướng tới Đức.
Trong khi đó, EU cũng đang xem xét việc lập ra các trung tâm dành cho người tị nạn ở nhiều khu vực, như tại Bắc Phi, để đẩy nhanh tiến trình phân biệt giữa di dân kinh tế và người tị nạn thực sự.
Bình luận (0)