Hai phương án
Trước đó, theo thông tin từ EU, hội nghị cũng bàn ít nhất hai phương án dự thảo nghị quyết đối với Nga – mềm dẻo và cứng rắn. Phương án mềm dẻo do Ý đưa ra bao gồm yêu cầu rút quân đội Nga ra khỏi khu vực đệm trên lãnh thổ Georgia, cũng như yêu cầu Nga bảo đảm không áp dụng “kịch bản Georgia” đối với các nước khác. Nga sẽ làm việc với các đối tác châu Âu cơ bản: Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Phần Lan.
Trong khi đó, phương án cứng rắn do Ba Lan đưa ra, với đề nghị tiến hành lệnh trừng phạt Nga về chính trị, kinh tế, cũng như ngăn cản việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); đồng thời, đề nghị bộ máy thương mại khổng lồ của châu Âu giảm bớt khối lượng đầu tư vào thị trường Nga, còn các ngân hàng châu Âu không cung cấp tài chính cho các ngân hàng và công ty Nga, hạn chế nhập khẩu hàng hóa Nga vào EU, ngưng đàm phán với Nga theo thỏa thuận mới về hợp tác và về việc loại bỏ chế độ visa, thay thế hoặc tẩy chay Thế Vận hội mùa đông 2014 ở Sochi.
Các nước vùng Baltic ủng hộ phương án cứng rắn. Thủ tướng Estonia Andrus Ansip cho biết ông ủng hộ những biện pháp cứng rắn nhất đối với Nga. Theo ông, Estonia đề nghị xem xét lại toàn bộ quan hệ của EU với Nga và thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Georgia bằng lực lượng của EU. Các nước vùng Baltic và Ba Lan có ý định mời Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili đến dự hội nghị, nhưng Pháp ngăn cản. Chính ông Saakashvili đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của báo Đức Bild rằng ông sợ ra khỏi Georgia vì ông cho rằng Nga sẽ không cho ông quay về.
Tuy nhiên, ông Javier Solana, Ủy viên cao cấp của EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh, cho biết trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh EU về tình hình ở Georgia không có vấn đề trừng phạt Nga. Theo ông, EU tập trung vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực xung đột Georgia – Nam Ossetia...
Quan hệ Nga – phương Tây không xấu đi
Thủ tướng Pháp Francois Fillon nhấn mạnh rằng Paris chống lại việc áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông nhận định: “Nga là một đất nước lớn cần phải dựa vào. Đây là một nhà nước hùng mạnh, ở một mức độ nào đó đã nhún nhường trong suốt 20 năm qua. Bây giờ, chính chúng ta phải tìm cách đối thoại với Nga”. Theo ông, Tổng thống Sarkozy chuẩn bị đề nghị các vị đồng nhiệm châu Âu một loạt sáng kiến mà ông sẽ đưa ra tại Moscow và Tbilisi với mục đích thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Trong khi đó, theo Dni.ru, trong chuyến thăm công trình xây dựng đường ống dẫn dầu Đông Siberia – Thái Bình Dương cung cấp nhiên liệu cho thị trường Mỹ và châu Á, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố: Nga sẽ mở rộng mọi khả năng trong lĩnh vực kinh tế, bởi vì sự cạnh tranh trong thế giới hiện đại từ lâu đã chuyển từ lĩnh vực vũ trang sang lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng Nga cũng nói rằng ông không thấy sự lạnh nhạt trong mối quan hệ với phương Tây.
Khi nói về quan hệ của Nga với WTO, Thủ tướng Putin nhận định rằng Nga không bỏ mục tiêu gia nhập WTO, nhưng không phải bằng mọi cách và bằng mọi giá. Ngoài ra, ông cũng bác bỏ thông tin Nga có thể hạn chế việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu.
Pháp thuyết phục Ba Lan Một chi tiết khá thú vị là, theo Dni.ru, trước khi đi dự Hội nghị Thượng đỉnh EU, đêm 31-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi điện cho Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk yêu cầu ủng hộ quan điểm của Pháp và không đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Caucasus. |
Bình luận (0)