Ủy ban châu Âu (EC) hôm 22-4 chính thức cáo buộc Công ty Dầu khí Gazprom của Nga vi phạm luật chống độc quyền tại thị trường 8 nước thuộc Trung và Đông Âu.
Bà Margrethe Vestager, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, cho biết cáo buộc này được đưa ra sau cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Gazprom mà EC tiến hành từ tháng 9-2012.
Đây được xem là trận chiến chống độc quyền lớn nhất lịch sử châu Âu. Tuy nhiên, theo hãng tin Newsru, bị EC cáo buộc không có nghĩa là Gazprom sẽ phải nộp phạt ngay hàng tỉ USD. Gazprom có 3 tháng để bào chữa trước khi EC chốt lại quyết định cuối cùng.
Giám đốc Công ty Phân tích Khí đốt Đông Âu (EEGA) Mikhail Korchemkin cho rằng “người khổng lồ khí đốt” Nga sẽ không phải nộp phạt nếu có thời gian sửa chữa những thiếu sót theo quan điểm của Liên minh châu Âu (EU).
Bà Margrethe Vestager công bố cáo buộc Gazprom vi phạm luật chống độc quyền hôm 22-4
Ảnh: REUTERS
Theo báo Vzglyad, Gazprom đã chính thức tuyên bố cáo buộc của EC là vô căn cứ, đồng thời nhắc lại rằng trước đây Nga và EU đã đạt được thỏa thuận tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng chấp nhận về cuộc điều tra chống độc quyền.
Thêm vào đó, Bộ Năng lượng Nga nhận định EC đã không chú ý đến các luận chứng của phía Nga trong khi thỏa thuận về quan hệ đối tác và hợp tác giữa Nga và EU buộc EU phải giải quyết vấn đề với Gazprom bằng con đường thương lượng.
Báo chí phương Tây bình luận EC cáo buộc Gazprom độc quyền nhưng lại đang hồi hộp chờ Nga “phản pháo”. Ngoài ra, chuyên gia Jonathan Stern, Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cảnh báo: “Hãy coi chừng họng súng 2 nòng “Gazprom và Putin” khai hỏa nếu EC có ý định phạt Gazprom”. Trước mắt, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 22-4 cho rằng các cáo buộc của EC đối với Gazprom là “không thể chấp nhận được”.
Lợi dụng diễn biến này, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk yêu cầu ủy ban chống độc quyền của EC điều tra hành vi độc quyền của Gazprom tại thị trường Ukraine. Theo ông, Gazprom hoạt động trong các điều kiện phân biệt đối xử, thiếu cạnh tranh và gây thiệt hại cho Ukraine.
Hơn nữa, Công ty Naftogaz của Ukraine chiều 22-4 cáo buộc Gazprom đang cản trở quá trình thống nhất hệ thống năng lượng của Ukraine và các quốc gia láng giềng châu Âu theo điều lệ về năng lượng của EU. “Việc Gazprom vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh không chỉ đụng chạm đến một mình Ukraine. Do hành vi này, các công ty của EU đã bị tước mất khả năng sử dụng cơ sở vật chất có sẵn ở Ukraine để giao thương trên các thị trường EU và bên ngoài EU” - tuyên bố của Naftogaz nêu rõ.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin UNIAN (Ukraine), Tổng Giám đốc Gazprom Alexei Miller ngày 22-4 bất ngờ đề nghị thương thảo việc ký kết trực tiếp hợp đồng cung cấp khí đốt cho miền Đông Nam Ukraine.
“Bà đầm thép” của Đan Mạch
Bà Margrethe Vestager, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, đang được mệnh danh là “bà đầm thép” của Đan Mạch sau khi khiến 2 gã khổng lồ - đầu tiên là Google (Mỹ) và nay tới Gazprom (Nga) - phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý hứa hẹn cực kỳ hao tiền tốn của. Tiếp quản trọng trách trên vào năm ngoái, người phụ nữ cứng rắn này đang chứng tỏ bà không ngán bất cứ vấn đề gai góc nào mà những người tiền nhiệm ngại đụng chạm.
Là ngôi sao trên chính trường Đan Mạch, dù nổi tiếng “sắt đá” song nữ chính trị gia 47 tuổi vẫn được lòng rất nhiều người. Thậm chí, người dân Đan Mạch còn ưu ái phong cho bà là “Nữ hoàng Margrethe III” vì tầm ảnh hưởng to lớn của người phụ nữ nhỏ bé này khi còn giữ cương vị bộ trưởng kinh tế.
Nhiều đồng nghiệp khẳng định chính bà Vestager, chứ không phải Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt, mới là hình mẫu cho nhân vật nữ thủ tướng hư cấu trong bộ phim Borgen đình đám trên màn ảnh nhỏ Đan Mạch.
Dù gây căng thẳng khi mạnh tay cắt giảm trợ cấp thất nghiệp hay đẩy mạnh chính sách tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tại Đan Mạch, những cải cách của bà Vestager vẫn khiến tỉ lệ ủng hộ Đảng Tự do Xã hội mà bà là thành viên tăng thêm 9,5% trong cuộc bầu cử không lâu sau đó.
Thậm chí, khi Thủ tướng Thorning-Schmidt đề cử bà Vestager vào vị trí Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, nhiều người ở Copenhagen đã xì xào đây là nỗ lực nhằm loại bỏ một vị bộ trưởng rắc rối. Nhân sự kiện này, các nhà làm phim Borgen lập tức ứng tác một tập phim ám chỉ sự thiếu vắng của nữ chính trị gia nổi tiếng với nhan đề “Ở Brussels, không còn ai có thể nghe thấu tâm tư chúng ta”.
Bà Vestager cũng khiến không ít đồng nghiệp ghen tị khi thu hút gần 100.000 người “theo dõi” trên mạng xã hội Twitter. Những nội dung được bà chia sẻ không chỉ xoay quanh chính trị mà còn cả những thú vui cá nhân nữ tính như đan len và nướng bánh. Thú vị hơn, trong một số cuộc họp mà mình không phải phát biểu, bà Vestager đã cho ra đời nhiều bài thơ và những con voi đa dạng màu sắc đan bằng len.
Thu Hằng
Bình luận (0)