Giới chức ngoại giao EU cho biết tuy đạt được thỏa thuận sơ bộ về cấm vận dầu mỏ Iran, nhưng các bên vẫn bất đồng về một số vấn đề như thời gian áp dụng, biện pháp xử lý các hợp đồng dầu hiện thời với Iran cũng như biện pháp phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Iran. Quyết định cuối cùng về lệnh trừng phạt mới dự kiến đưa ra vào cuối tháng 1.
Iran tuyên bố thử thành công tên lửa đất đối không tầm trung trong các cuộctập trận tại vùng Vịnh hôm 2-1. (Ảnh: AFP)
Động thái này nằm trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm cô lập Iran về kinh tế, gây sức ép buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Ý tưởng này do Pháp đề xuất và nhận được sự ủng hộ từ Anh, Đức và mới đây là Hy Lạp.
Trong khi đó, một số nước EU lo ngại cấm vận dầu mỏ Iran sẽ đẩy giá dầu tăng, ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế đang khó khăn vốn phụ thuộc vào dầu Iran như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha.
Trước đây, hồi cuối tháng 11, EU đã thống nhất cấm vận mới nhằm vào khoảng 200 cá nhân, công ty và tổ chức của Iran; bổ sung các biện pháp cấm vận do Mỹ, Anh và Canada ban hành trước đó vì nghi ngờ Iran có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay sau đó, giá dầu thô Brent đã tăng vọt trên 108 USD/thùng.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với giới chức Trung Quốc và Nhật Bản vào tuần sau để thảo luận biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc nước này từ bỏ hạt nhân.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã khiến Iran gặp khó khăn trong việc giữ khách hàng và Iran có thể phải giảm giá cho những nước liều lĩnh làm ăn với Iran. Trước đó, Trung Quốc đã giảm hơn một nửa đơn đặt hàng dầu mỏ Iran trong tháng này.
Hãng tin Reuters nhận định rằng lệnh cấm vận dầu của EU sẽ buộc Tehran phải tìm kiếm khách hàng mới. Thế nhưng, ông S. M. Qamsari, Giám đốc Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran, tự tin phát biểu: “Chúng tôi sẽ rất dễ dàng thay thế các khách hàng này”.
Các quốc gia EU, thị trường tiêu thụ dầu thô Iran lớn thứ hai sau Trung Quốc, mua khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong khi mức xuất khẩu mỗi ngày của Iran là 2,6 triệu thùng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cảnh báo sẽ phản ứng bằng quân sự nếu như Iran đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp bị cấm vận dầu.
Bình luận (0)