Liên minh châu Âu (EU) vừa khởi động tiến trình pháp lý nhắm vào chương trình "hộ chiếu vàng" gây tranh cãi của Cyprus và Malta sau khi cho rằng chương trình này làm suy yếu quyền công dân của khối.
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi đài Al Jazeera (Qatar) tiết lộ thông tin ám chỉ các quan chức cấp cao Cyprus sẵn sàng bán hộ chiếu EU cho tội phạm. Phản ứng trước tiết lộ gây sốc này, nhà chức trách Cyprus hôm 13-10 thông báo sẽ chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng" hiện nay vào ngày 1-11 nhưng nói thêm vẫn tiếp tục xử lý số đơn đã nhận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp George Savvidis của nước này thông báo mở cuộc điều tra hình sự về các cáo buộc trên. Hồi tháng 8, đài Al Jazeera cũng công bố tài liệu bị rò rỉ, theo đó cho thấy Cyprus từng cấp hộ chiếu cho tội phạm và những người đang bị điều tra ở quốc gia của họ. Sau tiết lộ chấn động đó, Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders để ngỏ khả năng có hành động pháp lý nhằm vào Cyprus.
Cyprus và Malta hiện có 2 tháng để phản hồi yêu cầu của EU về việc hủy bỏ chương trình "hộ chiếu vàng". Nếu xét thấy hai nước chưa tuân thủ đầy đủ luật của khối, EU sẽ quyết định đưa vụ việc lên Tòa án Công lý châu Âu. Theo tờ The New York Times (Mỹ), Cyprus và Malta sẽ đối mặt với các hình phạt của EU, trong đó có phạt tiền, nếu vẫn không chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng". Trước mắt, Bộ trưởng Tài chính Malta Edward Scicluna cho biết sẽ siết chặt quy định cấp hộ chiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong một chương trình mới thay thế chương trình hiện nay.
Người dân biểu tình phản đối chương trình “hộ chiếu vàng” ở thủ đô Nicosia - Cyprus hôm 14-10 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, động thái nói trên cho thấy EU dường như không tin vào cam kết chấm dứt chương trình "hộ chiếu vàng" ở Cyprus và cải tổ nó ở Malta. EU từ lâu đã chỉ trích hai chương trình "hộ chiếu vàng" này, theo đó cho phép người nước ngoài đầu tư số tiền lớn vào nước này (thường là vào lĩnh vực bất động sản) để được cấp hộ chiếu, từ đó tiếp cận thị trường làm việc, du lịch và tài chính trong EU. Cả Cyprus và Malta đều bị đánh giá là có quy định tài chính lỏng lẻo và hệ thống ngân hàng thiếu minh bạch, tạo điều kiện cho không ít người giàu có rửa tiền và né thuế.
Kể từ khi thực hiện Chương trình Đầu tư Cyprus (CIP) vào năm 2013, Cyprus đã cấp khoảng 4.000 hộ chiếu, thu về 7 tỉ euro. Chương trình này cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro sở hữu hộ chiếu nước này thông qua quá trình xét duyệt lỏng lẻo và hầu như không đòi hỏi thêm yêu cầu gì. Cyprus vào năm ngoái đã thu hồi hộ chiếu "bán" cho 26 người nước ngoài.
Trong khi đó, chương trình của Malta ra đời vào năm 2014. Tính đến năm 2017, nước này đã cấp hơn 2.000 hộ chiếu và thu được 718 triệu euro.
Nhiều nhà hoạt động và chính khách đã hoan nghênh động thái trên của EU hôm 21-10. "Quyền công dân không phải là hàng hóa. Không một quốc gia thành viên nào được bán quyền công dân mà sau đó có hiệu lực ở tất cả quốc gia thành viên. Những chương trình như thế đi ngược lại nguyên tắc hợp tác của châu Âu" - ông Sven Giegold, thành viên người Đức của Nghị viện châu Âu, nhận định.
Theo trang Malta Today, ông Giegold cũng kêu gọi châu Âu không bỏ qua những chương trình khác, như "thị thực vàng" của Bồ Đào Nha, khi cho rằng tội phạm đã trục lợi từ chương trình này. Cũng theo ông Giegold, về lâu dài cần có lệnh cấm bán quyền công dân trên toàn châu Âu.
Nỗi lo bị lạm dụng
Cyprus và Malta không phải là những quốc gia EU duy nhất cho phép người nước ngoài đầu tư đổi lấy quốc tịch. Theo tờ The New York Times, Bulgaria đang bị Ủy ban châu Âu (EC) điều tra và có thể phải đối mặt hành động pháp lý tương tự. Cơ quan này hôm 20-10 cho biết đã gửi thư cho chính phủ Bulgaria để bày tỏ nỗi lo về chương trình bán hộ chiếu của nước này.
Ngoài ra, 20 trong số 27 thành viên EU hiện cấp quyền cư trú cho người nước ngoài để đổi lấy các khoản đầu tư của họ. Một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) năm 2019 cho biết các chương trình chỉ cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư - vốn hạn chế hơn so với quyền công dân nhưng có thể được phép đi lại tự do trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu - cũng gây lo ngại và có nguy cơ bị lạm dụng. Theo ông Giegold, Bồ Đào Nha đã cấp khoảng 25.000 "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo điều kiện cho họ có quốc tịch sau 5 năm.
Bình luận (0)