Đại sứ từ 28 nước thành viên hoàn toàn đồng thuận trong cuộc họp hôm 21-6 về việc kéo dài lệnh trừng phạt tới ngày 31-1-2017. EU muốn có thêm thời gian đánh giá xem Nga có tuân thủ thỏa thuận hòa bình với miền đông Ukraine ký kết tại Minsk hay không.
Tuy nhiên, quyết định này còn phải được các bộ trưởng hoặc các lãnh đạo của EU thông qua. Bước đi tiếp theo, thực chất chỉ mang tính hình thức, sẽ được tiến hành sớm nhất là vào tuần tới, sau một hội nghị thượng đỉnh.
EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Nga hồi tháng 7-2014, nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và sản xuất vũ khí.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại TP Minsk – Belarus hồi tháng 2, chiến sự vẫn tiếp diễn ở phía Đông Ukraine. Trong vài ngày qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) báo cáo hàng loạt vụ pháo kích, xả súng và nổ từ các lực lượng không xác định ở nhiều nơi trong TP Donetsk và Luhansk. Cuộc đụng độ ác liệt đã khiến nhiều người của cả 2 phe thiệt mạng trong những tuần qua.
Tổng thống Vladimir Putin trong diễn đàn kinh tế có sự tham dự của thủ tướng Ý và chủ tịch Ủy ban châu Âu tại TP St. Petersburg. Ảnh: PA
Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt được đưa ra bất chấp nội bộ EU có nhiều bất đồng quanh vấn đề này. Ý, Hy Lạp và Hungary đặt ra câu hỏi về việc có cần thiết phải kéo dài lệnh trừng phạt không. Hồi tuần trước, Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã có mặt tại diễn đàn kinh tế quốc tế ở TP St. Petersburg – Nga.
Tại diễn đàn kinh tế này, được xem là phiên bản mini của diễn đàn Davos, có cả chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tham dự. Ông Juncker còn bày tỏ mong muốn “xây một cầu nối” trong cuộc họp.
Cũng tại diễn đàn này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều phát biểu mang tính hàn gắn với EU. Đặc biệt, ông nói sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trả đũa EU trước, với điều kiện tổ chức này thực hiện điều ngược lại.
Trước đây, nhiều kỳ vọng cho rằng lệnh trừng phạt của EU sẽ được gỡ bỏ vào năm 2017. Một vài nhà ngoại gia ở Bỉ suy đoán việc Anh rời khỏi EU có thể khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn bởi Anh là một trong những nước có tiếng nói quan trọng về quyết định trừng phạt.
Bình luận (0)