Nguyên văn lời nói của Mehsud được các báo nước ngoài ghi lại là: “Tôi nhận trách nhiệm. Họ là người của tôi. Tôi ra lệnh cho họ để đáp lại những hành động tấn công của Mỹ".
Mehsud khẳng định vụ thảm sát này nằm trong kế hoạch trả thù những đòn tấn công liên tiếp của Mỹ nhắm vào khu vực biên giới Pakistan – Afghanistan. Tuy nhiên, theo hãng tin BBC, Mehsud không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để xác thực lời hắn nói.
Đáp lại, người phát ngôn của FBI tuyên bố: "Dựa trên những bằng chứng có được, chúng tôi bác bỏ lời nhận trách nhiệm này”.
Cùng với thông tin trên, phía cảnh sát cũng vừa thông báo nguyên nhân khiến hung thủ nổ súng bắn giết tại Hiệp hội Công dân Mỹ (ACA) chiều 3-4 là hắn bị trầm cảm do mất việc và kém tiếng Anh.
Nói rõ hơn trong chương trình “Today” của đài NBC, Cảnh sát trưởng Joseph Zikuski cho biết hung thủ cảm thấy bị mọi người xem thường và thiếu tôn trọng vì vốn tiếng Anh kém cỏi. Ngoài nguyên nhân trên, Thị trưởng thành phố Binghamton - Matthew Ryan - phát biểu trong chương trình “Good Morning America” của đài ABC rằng hung thủ nổi điên vì không có việc làm.
Địa điểm vụ thảm sát (Ảnh: BBC)
Vụ việc xảy ra vào 17 giờ chiều 3-4 tại Hiệp hội Công dân Mỹ (ACA) ở Binghamton, cách thành phố New York 200km về phía tây bắc. Hung thủ đã chặn cửa sau bằng xe hơi của mình rồi bước vào tòa nhà và xả súng giết chết 14 người và làm 4 người khác bị thương nặng.
Sau khi ra tay bắn giết, hung thủ còn bắt hơn 40 người làm con tin. Vụ việc kéo dài nhiều giờ đồng hồ và chỉ kết thúc khi hung thủ tự sát.
Tòa nhà Hiệp hội Công dân Mỹ (Ảnh: AP)
Thông tin ban đầu cho biết hung thủ là người gốc Việt. Lục soát trên người hắn, cảnh sát phát hiện thẻ căn cước mang tên Jiverly Voong, 42 tuổi, sống tại thành phố Johnson lân cận của bang New York. Tuy nhiên, một nhân viên hành pháp giấu tên tiết lộ đó chỉ là bí danh.
Một nhân viên hành pháp khác nói rằng khẩu súng ngắn của hung thủ được đăng ký dưới cái tên Jiverly Wong – một cái tên khác mà hung thủ sử dụng. Ngoài ra, còn có báo cáo ghi rằng Voong vừa rời khỏi công ty IBM, nhưng phía IBM cho biết chưa từng có ai tên Jiverly Voong làm việc tại đây.
Cảnh sát điều tra hiện trường (Ảnh: Reuters)
Theo AP, có một người phụ nữ tự xưng là em gái của Jiverly Voong nhưng không cho biết tên. Theo người này, Voong sinh sống ở Mỹ 28 năm và đã được nhập quốc tịch.
Ngay trong tối 3-4, cảnh sát đã lục soát nhà Voong và tịch thu 3 ổ cứng máy tính, một hộp đựng súng trường, một valy và nhiều giấy tờ.Nhưng đến lúc này, các cơ quan chức năng Mỹ vẫn không thể hiểu được động cơ của hung thủ là gì.
Jiverly Voong (Ảnh: New York Times)
Trong thảm kịch này, người nữ tiếp tân tại ACA được xem là anh hùng. Khi hung thủ vừa bước vào, hắn ngay lập tức bắn 2 tiếp tân. Một người chết tại chỗ, nữ tiếp tân còn lại giả chết rồi sau đó bò xuống một cái bàn và cố gọi 911 để báo cảnh sát.
Theo cảnh sát trưởng Joseph Zikuski, dù bị thương nặng ở bụng nhưng cô kiên trì bám điện thoại suốt 90 phút để cung cấp thông tin cho cảnh sát một cách liên tục. Hiện cô đang ở trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Những người sống sót an ủi nhau bên ngoài một nhà thờ (Ảnh: AP)
Vẫn chưa rõ trong số nạn nhân có người gốc Việt hay không nhưng được biết tại ACA có rất nhiều người nhập cư đến từ Kazakhstan và Uzbekistan. Họ đều đang theo học tiếng Anh và tham gia một khóa học để lấy được quyền công dân Mỹ.
Thống đốc bang New York David Paterson cho biết nhiều nạn nhân không phải người Mỹ và cảnh sát đang tiến hành liên lạc với thân nhân của họ ở quê nhà.
Cảnh sát đưa những người sống sót rời khỏi hiện trường (Ảnh: AP)
Gọi ngày 3-4 là “thảm kịch của New York”, ông Paterson đồng thời chỉ trích đây là một “tội ác vô nghĩa nhắm vào giấc mơ Mỹ của những người nhập cư”.
Vụ việc mới nhất này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm sát người vô tội tại Mỹ. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, nước Mỹ đã chứng kiến liên tục 5 vụ giết chóc khiến 44 người thiệt mạng và tất cả đều chưa rõ động cơ của hung thủ.
Cầu nguyện tại nhà thờ sau vụ thảm sát ở New York (Ảnh: AP)
Mới tháng trước, một sát thủ giết chết 10 người, bao gồm cả mẹ và nhiều người thân ở thị trấn Samson, bang Alabama. Tiếp đó là vụ nổ súng tại một giao lộ ở Oakland, bang California làm 4 cảnh sát và cả hung thủ thiệt mạng. Một vụ tắm máu khác ở Santa Clara do một người đàn ông nhắm vào vợ cũ đã lấy đi mạng sống 6 người. Ngay trước thảm kịch New York này là vụ tấn công vào nhà điều dưỡng khiến 7 người chết.
Nhưng kinh hoàng nhất là thảm kịch tại trường đại học Virginia Tech ngày 16-4-2007 ở Blacksburg, bang Virginia. Đây là vụ xả súng chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ khi một sinh viên bắn chết 32 người rồi tự sát.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp giải quyết vụ này vì Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang ở Châu Âu. “Chúng ta cần tìm cách đương đầu với kiểu bạo lực hết sức vô nghĩa này”, ông Biden nói. Nhiều người chỉ trích thảm sát xảy ra quá dễ dàng là do người dân Mỹ được tự do sở hữu vũ khí.
Bình luận (0)