Chỉ số đồng USD (DXY), chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm xuống 101,25 trong phiên giao dịch hôm 13-4 (giờ địa phương).
DXY duy trì xu hướng giảm trong tuần thứ 5 liên tiếp sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 của Mỹ - được công bố hôm 12-4 (giờ địa phương) - tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức tăng dự kiến.
Ông Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối tại Công ty Tài chính Monex Europe (Anh), nhận định CPI cho thấy nhu cầu cơ bản trong nền kinh tế Mỹ vẫn đủ lớn để duy trì lạm phát trên mức mục tiêu 2% của FED.
Khách xem hàng tại cửa hàng ở thủ đô London - Anh hôm 12-4. Ảnh: REUTERS
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm lần nữa vào tháng 5. Báo cáo lạm phát hôm 12-4 bổ sung các chỉ số gần đây cho thấy chính sách tăng lãi suất "diều hâu" của FED đang làm suy yếu nền kinh tế và ảnh hưởng đến giá cả.
FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % hồi tháng 3, lên phạm vi 4,75%-5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007. Theo biên bản cuộc họp tháng 3 của FED được công bố cùng ngày 12-4, hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm nay.
Dù Phó Chủ tịch Giám sát của FED, ông Michael Barr, nhận định ngành ngân hàng vẫn đang "lành mạnh" nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, các nguồn thạo tin cho hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm % vào tháng 5. ECB đã tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm % mỗi lần trong 6 cuộc họp liên tiếp để chống lại lạm phát cao dai dẳng.
Còn tại Anh, dù tránh được suy thoái trong thời điểm hiện tại nhưng nền kinh tế nước này đã bị đình trệ trong năm qua, một phần do các cuộc đình công. Ông Suren Thiru, giám đốc kinh tế tại Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và Xứ Wales (ICAEW), nhận định Ngân hàng Trung ương Anh nên chấm dứt đợt tăng lãi suất vào tháng tới vì sẽ chỉ làm suy yếu thêm triển vọng tăng trưởng của đất nước.
Bình luận (0)