Với việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, FED đang tin rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Trong tuyên bố chính sách của mình, FED nêu rõ thị trường lao động Mỹ đã cải thiện đáng kể trong năm nay, đồng thời tin rằng lạm phát sẽ tăng lên mức 2% như mục tiêu đề ra trong trung hạn.
FED thừa nhận lạm phát tăng chậm là do sự lao dốc của giá dầu.
So với cuộc họp hồi tháng 9, những dự báo kinh tế của FED tại cuộc họp lần này ít có thay đổi: tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,7% và kinh tế tăng trưởng 2,4% trong năm tới.
FOMC cũng dự báo lãi suất phù hợp vào thời điểm cuối năm 2016 là 1,375%, qua đó báo hiệu sẽ có ít nhất 4 lần tăng lãi suất nữa trong năm tới.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở thủ đô Washington Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, bà Janet Yellen, chủ tịch FED, nhận định quyết định tăng lãi suất là sự thừa nhận về những tiến triển đạt được trong thị trường lao động, dù vẫn còn lo ngại về tăng trưởng tiền lương.
Thừa nhận "những diễn biến ở nước ngoài" vẫn có thể đe dọa sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, bà Yellen tin rằng nền kinh tế này đủ mạnh để chống chọi những biến động bất thường.
Bà cho biết thêm động thái tiếp theo của FED sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế đất nước.
Bà Janet Yellen, chủ tịch FED, tại cuộc họp báo hôm 16-12. Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Các nước có thể cũng phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.
Trước khi FED đưa ra quyết định trên, các thị trường chứng khoán khắp thế giới đã tăng điểm.
Tại Mỹ, chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 2% giữa lúc có những phỏng đoán rằng nền kinh tế nước này đủ mạnh để chống chọi được những lãi suất cao hơn.
Tương tự, chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tiếp tục tăng 0,6% sau khi có sự hồi phục mạnh mẽ nhất trong 2 tháng. Còn ở châu Á, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 2,2%. Chỉ số Topix của Nhật cũng tăng 2,5% sau khi xuống mức thấp nhất trong 8 tuần qua.
Không như giá cổ phiếu, giá dầu Brent tại thị trường London - Anh đã giảm 1,7% xuống còn 37,81 USD / thùng. Giá dầu ở Mỹ cũng giảm xuống còn 35,87 USD / thùng.
Bình luận (0)