Nội dung bao phủ vắc-xin Covid-19 được quan tâm nhiều sau khi các bộ trưởng tài chính và y tế G20 hướng đến mục tiêu bảo đảm ít nhất 40% dân số thế giới được tiêm chủng vào cuối năm 2021 và tỉ lệ này tăng lên 70% vào giữa năm 2022.
"Chúng tôi sẽ thực thi các bước để tăng cường nguồn cung vắc-xin và sản phẩm y tế thiết yếu cũng như nguyên liệu đầu vào ở các nước đang phát triển, đồng thời loại bỏ hạn chế liên quan đến cung ứng và tài chính" - các bộ trưởng G20 cam kết tại hội nghị hôm 29-10.
Ngoài ra, các bộ trưởng G20 còn nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm ứng phó các đại dịch trong tương lai. Lực lượng này sẽ thăm dò các phương án gây quỹ để thúc đẩy công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó đại dịch.
Không dừng lại ở đó, theo hãng tin Reuters, các bộ trưởng G20 còn kêu gọi củng cố chuỗi cung ứng vắc-xin thông qua các trung tâm chuyển giao công nghệ tự nguyện, như các trung tâm công nghệ mRNA mới thành lập ở Nam Phi, Argentina và Brazil, cũng như thông qua các thỏa thuận sản xuất chung.
Các nhà lãnh đạo G20 trao đổi khi đến dự hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Rome - Ý hôm 30-10 Ảnh: REUTERS
Tại Mỹ, danh sách đối tượng được tiêm chủng tiếp tục kéo dài sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hôm 29-10 cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.
Đây là loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên dành cho người trong độ tuổi này ở Mỹ, mở đường cho khoảng 28 triệu trẻ được tiêm chủng trong thời gian tới.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước châu Âu đang triển khai tiêm tăng cường với hy vọng bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 mới gia tăng khi mùa đông đang đến.
Theo trang Bloomberg, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã bật đèn xanh đối với mũi tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna tăng cường dành cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên với điều kiện thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Quyết định về đối tượng và thời điểm tiêm liều tăng cường tùy thuộc vào chính phủ mỗi nước.
Bình luận (0)