Bộ trưởng ngoại giao Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) họp ở Toronto - Canada từ ngày 22 đến hết 24-4 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất ngờ, phức tạp.
Các nhà ngoại giao từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới muốn nắm bắt quan điểm từ đồng nghiệp Mỹ về việc liệu Tổng thống Donald Trump có kế hoạch xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay không và ông sẽ xử trí ra sao cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến diễn ra vào tháng tới. Trong khi đó, mặc dù Nga tiếp tục không góp mặt trong hội nghị G7 lần này nhưng sẽ là một yếu tố không thể vắng mặt khi các thành viên tìm tiếng nói chung về Nga trong vấn đề Syria.
Đề tài thảo luận nóng nhất tại hội nghị G7 thể nằm ngoài câu chuyện Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa quyết định đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân ngầm và các vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngoài ra, ông Kim còn thừa nhận sẽ đóng cửa và hủy bỏ địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri.
Lâu nay, các nước thành viên nhóm G7, trong đó Nhật Bản - quốc gia ở vị trí tiền tiêu, đều ủng hộ nỗ lực thuyết phục ông Kim ngưng mọi nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Triều Tiên nhưng cũng muốn nghe nhiều hơn nữa từ phía Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho rằng chắc hẳn sẽ có những yêu cầu đối với phương Tây và các nước đồng minh của Mỹ muốn bảo đảm rằng Tổng thống Trump không đánh đổi quá nhiều để có được một thỏa thuận lịch sử.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland bắt tay người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono Ảnh: REUTERS
Dư luận thế giới đã có những phản ứng trái chiều khi ông Kim tuyên bố cam kết ngưng mọi thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Theo báo Daily Mail ngày 22-4, thông báo của Triều Tiên được đánh giá là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ và lên tiếng cảnh báo có thể Bình Nhưỡng đã phát triển thành công hệ thống vũ khí có khả năng tấn công mọi mục tiêu ở Mỹ. Ông Victor Cha, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định rằng tuyên bố của Triều Tiên "không phải là tuyên bố phi hạt nhân hóa".
Đáng chú ý, theo sau cuộc gặp lịch sử chưa từng có tiền lệ giữa lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ là cuộc họp của nhóm các nước được gọi là "Bộ Tứ" bao gồm Mỹ, Pháp, Anh và Đức - 4 nước phương Tây cùng với Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận này trừ khi các trụ cột châu Âu đồng ý bổ sung các điều khoản tăng cường kiểm soát đối với chương trình tên lửa của Iran cũng như khả năng quay lại làm giàu nhiên liệu hạt nhân của nước này trong tương lai. Tuy nhiên, các đối tác của Mỹ tin rằng thỏa thuận cốt lõi đã bảo đảm những cách tốt nhất để ngăn chặn Tehran tìm cách chế tạo bom nguyên tử và coi hội nghị G7 lần này là cơ hội để vận động quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan thuyết phục Tổng thống Trump đổi ý.
Ngoài ra, tham dự hội nghị, các đại diện các nước G7 sẽ tìm tiếng nói chung về Moscow trong bài toán Syria. Lâu nay, nhóm G7 rất quan ngại chuyện Nga ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Do đó, các bộ trưởng G7 muốn thảo luận về việc nối lại cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết tình hình ở Syria. Trong tuần này cũng sẽ diễn ra một hội nghị quốc tế về vấn đề Syria tại Brussels - Bỉ, trong đó trọng tâm chính sẽ là viện trợ nhân đạo cho người dân Syria.
Đức "nhờ cậy" Nga trong vấn đề Syria
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm 21-4 lên tiếng hối thúc Nga giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria khi ông lên đường tham dự Hội nghị G7 tại Toronto. "Chúng tôi cần những đóng góp mang tính xây dựng của Nga để đạt được một giải pháp chính trị" - ông Mass cho hay, đồng thời nhấn mạnh điều này cũng đúng trong cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị G7.
Ông Maas cũng thừa nhận bây giờ là lúc cần thiết để tái khởi động tiến trình chính trị sau khi Mỹ, Anh và Pháp vừa tiến hành không kích Syria. Ông khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì cuộc đối thoại với Nga bất chấp những căng thẳng gần đây với Moscow. "Không có Nga, chúng ta sẽ không thể tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria" - Bộ trưởng Ngoại giao Đức nhấn mạnh.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết từ ngày 21-4, phái bộ đặc biệt của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã tiến hành lấy các mẫu đất và mô người tại thị trấn Douma trong nỗ lực xác định liệu vũ khí hóa học có phải đã được sử dụng trong vụ tấn công hôm 7-4 hay không. Các mẫu này sẽ được chuyển tới Hà Lan, rồi được phân tích tại phòng thí nghiệm chỉ định của OPCW. Tổ chức này không có nghĩa vụ xác định đối tượng chịu trách nhiệm vụ tấn công được cho là đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 40 người.
Dù IS đã bị đánh bại song chiến trường Syria lại đang chuyển sang một giai đoạn rắc rối chưa từng thấy. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vốn là các nước đồng minh NATO nhưng lại đang vướng vào tình cảnh phức tạp tại Syria. Đài RT ngày 22-4 đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan chỉ trích gay gắt Mỹ và các đồng minh NATO khác vì trợ giúp cho các dân quân người Kurd giữ chỗ đứng ở Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng Ankara coi lực lượng này là đe dọa an ninh.
"Chúng tôi có tiền cũng không mua được vũ khí từ Mỹ nhưng Mỹ và lực lượng liên minh lại trao vũ khí, đạn dược miễn phí cho các tổ chức khủng bố" - ông Erdogan nặng lời trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, ám chỉ Mỹ hỗ trợ vũ khí cho người Kurd ở Syria. Tổng thống Erdogan cho biết quân đội nước này và Quân đội Tự do Syria (FSA) đồng minh đã mất tổng cộng hàng trăm tay súng kể từ khi bắt đầu chiến dịch cách đây 3 tháng nhằm vào các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại khu vực Afrin - Syria.
Thu Hằng
Bình luận (0)