xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

G7 sẽ thành G6+1?

HOÀNG PHƯƠNG

Tổng thống Donald Trump chỉ trích Pháp và Canada đang đánh thuế cao hàng hóa Mỹ và dựng nhiều rào cản thương mại khác

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7; gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ ) diễn ra tại Canada trong ngày 8 và 9-6 (giờ địa phương), bị phủ bóng bởi sự chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ khi nhóm này ra đời 42 năm trước.

Thất vọng và vỡ mộng

Giới phân tích cho rằng mọi chuyện đều liên quan đến hành vi khó lường và chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, đang đe dọa gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu và sự xa lánh của các đồng minh. Trong nỗ lực tái thiết ngành công nghiệp Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đã đánh thuế mạnh lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có cả các nước G7. "Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ ngày càng thất vọng và vỡ mộng" - ông Donald Abelson, chuyên gia về khoa học chính trị tại Trường ĐH Tây Ontario (Canada), nhận định với đài Al Jazeera.

Tâm trạng này thể hiện rõ tại cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở TP Ottawa hôm 7-6. Đi cùng cảnh báo "không ai làm lãnh đạo mãi", ông Macron cho rằng nếu ông Trump không quan tâm đến việc "bị cô lập" thì G7 có lẽ sẽ tốt hơn nếu là G6. "Sáu quốc gia còn lại trong G7 hợp thành một thị trường rộng lớn hơn so với Mỹ. Tổng thống Mỹ có thể không quan tâm đến việc bị cô lập lúc này nhưng chúng tôi không ngại việc chỉ có 6 nước với nhau, nếu cần" - nhà lãnh đạo Pháp cứng rắn.

G7 sẽ thành G6+1? - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo hôm 7-6 Ảnh: THE CANADIAN PRESS

Mạnh mẽ không kém, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu có vai trò mạnh mẽ hơn trong các vấn đề toàn cầu giữa lúc ông Trump tìm cách phá vỡ trật tự thời hậu Thế chiến II thông qua những hành động như rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu của các đồng minh, đối tác. Theo trang Bloomberg, bà Merkel tuyên bố sẽ thách thức ông Trump về những vấn đề như thương mại và biến đổi khí hậu tại hội nghị G7, cũng như dự báo hội nghị có thể không nhất trí về nội dung tuyên bố chung nếu không có sự thỏa hiệp nào từ các bên.

Dĩ nhiên là không phải nhà lãnh đạo nào cũng cứng rắn như bà Merkel hoặc ông Macron. Theo Reuters, một số thành viên khác, như Ý và Nhật, có thể không muốn "trở mặt" với Mỹ tại hội nghị lần này. Một nguồn tin tiết lộ Ý muốn tiếp tục đối thoại với Mỹ nhiều hơn, nhất là khi tân Thủ tướng Guiseppe Conte là gương mặt mới trên chính trường thế giới và cần thêm thời gian để hiểu rõ hơn về G7.

Khó có thỏa hiệp

Trong khi đó, khó có thể kỳ vọng vào bất kỳ thỏa hiệp nào từ ông Trump nếu dựa vào những lời lẽ của nhà lãnh đạo này trước thềm hội nghị. Hôm 7-6, ông Trump lên mạng xã hội Twitter chỉ trích cả Pháp và Canada đang đánh thuế cao hàng hóa Mỹ và dựng lên những rào cản thương mại khác. Cùng ngày, tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nhà Trắng, ông Trump nêu vấn đề nhập khẩu xe Mỹ vào thị trường quốc gia châu Á này. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn muốn các hãng xe Nhật đầu tư mở nhà máy tại các bang công nghiệp của Mỹ như Michigan, Pennsylvania và Ohio.

Tất cả diễn biến trên báo hiệu bầu không khí căng thẳng khi các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp bên trong khách sạn Manoir Richelieu sang trọng ở thị trấn La Malbaie, tỉnh Quebec. Không gì lạ khi thủ tướng chủ nhà dự báo những cuộc thảo luận gay gắt về vấn đề thương mại tại hội nghị G7, bên cạnh những nội dung gây chia rẽ khác, từ biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran cho đến việc dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến TP Jerusalem.

Chương trình nghị sự truyền thống của thượng đỉnh G7 là thương mại quốc tế, chính sách kinh tế, an ninh và biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng được đề cập bởi sau đó vài ngày dự kiến diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. Dù vậy, với nhiều bất đồng như thế, kênh Al Jazeera nhận định nội dung quan trọng nhất tại hội nghị lần này có lẽ là làm sao kiểm soát được thiệt hại trong lòng G7. Việc ông Trump dự định rút ngắn thời gian dự hội nghị khi không dự những phiên họp về biến đổi khí hậu và môi trường chắc chắn không giúp ích gì nhiều cho nỗ lực này. 

Vị thế của Việt Nam được nâng cao

Chiều 8-6 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Jean-Lesage, TP Quebec, tỉnh Quebec, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada.

phuc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại sân bay Jean-Lesage Ảnh: VGP


Trong chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự, có bài phát biểu tại Hội nghị G7 mở rộng; gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo một số quốc gia dự hội nghị. Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ cùng các nhà lãnh đạo G7 và các nước khách mời trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thảo luận các biện pháp, đề xuất hành động phối hợp để ứng phó và xử lý các thách thức toàn cầu.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với tư cách khách mời. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị lần này thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Cũng theo chương trình, ngày 10-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo TTXVN, hai thủ tướng sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ song phương phát triển tương xứng với tiềm năng của mỗi bên, như tăng kim ngạch thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng đầu tư, tạo thuận lợi giao thương xuất khẩu hàng hóa...

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi trình diễn về "Công nghệ thông minh cho tương lai" tại Trường ĐH Laval; gặp gỡ các nhà lãnh đạo tỉnh Quebec; dự và phát biểu tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo