Các nước G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ) đang phác thảo kế hoạch nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 vào tháng 12-2022.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại Anh từ ngày 11 đến 13-6, các nhà lãnh đạo G7 sẽ cam kết cung cấp thêm ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 vào năm tới để giúp 80% dân số trưởng thành thế giới được tiêm chủng, theo nội dung dự thảo thông cáo chung của hội nghị được trang Bloomberg tiết lộ.
Ngay trước thềm hội nghị, giới chức Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ mua khoảng 200 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm nay để phân phối thông qua sáng kiến COVAX được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn.
Sáng kiến này ra đời nhằm bảo đảm việc phân phối công bằng vắc-xin trên toàn cầu. Trong nửa đầu năm tới, số lượng vắc-xin được Washington mua và chia sẻ là 300 triệu liều. Toàn bộ 500 triệu liều vắc-xin mua của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) này sẽ được dành cho 92 nước thu nhập thấp và Liên minh châu Phi.
Phát biểu trước khi lên đường đến châu Âu hôm 9-6, ông Joe Biden cho biết sẽ công bố chiến lược vắc-xin toàn cầu trong chuyến công du này nhưng không tiết lộ chi tiết. Dù vậy, theo AP, Tổng thống Mỹ ngoài việc công bố kế hoạch trên sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo khác làm điều tương tự tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Sáng kiến COVAX sẽ nhận thêm nhiều triệu liều vắc-xin từ Mỹ. Ảnh: REUTERS
Không dừng lại ở đó, theo đài CNBC, Mỹ hiện còn thương thảo với Công ty Moderna (Mỹ) về việc cung cấp thêm vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tiến trình đàm phán có thể dẫn đến thỏa thuận với số liều tương tự như với Pfizer - BioNTech (500 triệu liều).
Phát ngôn viên của Moderna từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thương thảo nhưng theo Bloomberg, công ty này đang mở rộng năng lực sản xuất để có thể "cho ra lò" 3 tỉ liều vắc-xin vào năm tới, so với mục tiêu 1 tỉ liều năm nay.
Trước sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Biden dường như đang đẩy mạnh nỗ lực cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước vẫn bị dịch bệnh hoành hành giữa lúc chương trình tiêm chủng tại Mỹ chậm lại kể từ tháng 4 và hơn 50% người dân nước này đã nhận được ít nhất 1 liều vắc-xin.
Một bước đi như thế báo hiệu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đang nóng lên trên một mặt trận mới: ngoại giao vắc-xin Covid-19. Ông Yanzhong Huang, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, dự báo Washington sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn của Bắc Kinh trong cuộc đua ngoại giao vắc-xin trên thế giới thời gian tới.
Trước đó, giới chức Trung Quốc vào đầu tháng này cho biết đã cung cấp hơn 350 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng quốc tế, trong đó có việc hỗ trợ vắc-xin cho 80 nước đang phát triển và xuất khẩu vắc-xin sang hơn 40 quốc gia. Ngoài ra, WHO còn phê duyệt vắc-xin của 2 công ty Trung Quốc (Sinopharm và Sinovac Biotech Ltd.) để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mở đường để chúng được phân phối rộng khắp thế giới thông qua COVAX.
Cam kết của nhóm "Bộ tứ"
Nhóm "Bộ tứ" (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc) vẫn duy trì cam kết cung cấp 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho Đông Nam Á vào năm 2022, bất chấp làn sóng dịch thứ 2 tại Ấn Độ trong thời gian qua. Đó là thông tin được ông Kurt Campbell, Giám đốc chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng, đưa ra gần đây. Theo hãng tin PTI ngày 9-6, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc đưa ra cam kết trên tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3 và toàn bộ vắc-xin dự kiến được sản xuất tại Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ khiến không ít người hoài nghi khả năng nhóm "Bộ tứ" hiện thực hóa cam kết này.
Bình luận (0)