Thị trấn Madaya, gần biên giới Lebanon, hiện bị lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phong trào Hezbollah của Lebanon bao vây. Ít nhất 28 người, bao gồm 6 đứa trẻ dưới 1 tuổi, đã chết đói kể từ ngày 1-12-2015, theo tổ chức Bác sĩ không biên giới. Theo báo chí địa phương, người dân nơi này phải ăn lá cây, cỏ và côn trùng cầm hơi.
Khoảng 42.000 người trong thị trấn không đủ hoặc không có thức ăn sau 6 tháng bị vây hãm và hoàn toàn không nhận được cứu trợ từ tháng 10-2015. Những người ủng hộ chính phủ cáo buộc quân nổi dậy ở Madaya chiếm giữ thực phẩm làm của riêng trong khi phe đối lập chỉ trích lực lượng Damascus phạm thêm tội ác chiến tranh.
Hai ngôi làng Foua và Kefraya ở tỉnh Idlib cũng bị lực lượng nổi dậy – bao gồm phong trào Mặt trận Al-Nusra - cô lập, phải sử dụng thuốc quá hạn và thực phẩm dần cạn kiệt. 12.500 người ở 2 ngôi làng này gần như bị cắt đứt tiếp tế từ bên ngoài kể từ tháng 3-2015.
Tại thị trấn Moadamiyah, ngoại ô thủ đô Damascus, quân đội Syria thiết lập một trạm kiểm soát và phong tỏa các con đường cuối cùng tới đây hôm 26-12-2015. Tổng cộng 45.000 dân thường bị mắc kẹt trong hơn 2 tuần qua. 16 cư dân địa phương đã thiệt mạng do thiếu thức ăn và thuốc men kể từ tháng 4-2013, trong đó có 1 bé trai 8 tháng tuổi chết vì suy dinh dưỡng hôm 10-1.
Tháng 12 năm ngoái, LHQ cho biết chính phủ Syria và lực lượng đồng minh cũng bao vây các khu vực Daraya, Ghouta và Zabadani gần biên giới Lebanon, khiến hơn 181.000 người bị mắc kẹt.
Trong khi đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kiểm soát ngoại ô Deir Az Zor, miền Đông Syria, nơi có khoảng 200.000 người cần sự giúp đỡ.
Ngoài tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men, 15 khu vực bị bao vây ở Syria còn thiếu thốn các dịch vụ cơ bản khác như điện và giáo dục, theo phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Juliette Touma.
Do bạo lực gia tăng, khoảng 4,5 triệu người dân Syria khó tiếp cận với sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có một nửa là trẻ em, bà Touma cho biết thêm.
Tổng cộng hơn 60 xe tải chở hàng cứu trợ do LHQ, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria tổ chức đã rời Damascus hôm 11-1 để tới Madaya, Foah và Kefraya. Các mặt hàng cứu trợ gồm gạo, dầu thực vật, bột mì, đường, muối cũng như nước uống, sữa cho trẻ em, thuốc men, quần áo và chăn dùng cho mùa đông.
Sau đó cùng ngày, các đoàn xe đều tới nơi. Số hàng viện trợ tới thị trấn Madaya đủ cho cư dân tại đây cầm cự khoảng 1 tháng. Tổ chức y tế từ thiện MSF cho biết trong số 250 người dân bị suy dinh dưỡng cấp tính ở thị trấn, có 10 người nếu không được sơ tán sẽ thiệt mạng.
Bình luận (0)