Theo Reuters và AP, Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) ngày 12-7 đề nghị Tòa án Hiến pháp hủy tư cách nghị sĩ của ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), đồng thời hiện là gương mặt sáng giá nhất cho chức thủ tướng.
EC cho biết có bằng chứng về việc ông Pita vi phạm Luật Bầu cử. Kết luận trên được đưa ra sau khi ủy ban này điều tra khiếu nại của một thành viên thuộc đảng chính trị đối thủ, theo đó cáo buộc tại thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Pita vẫn sở hữu 42.000 cổ phiếu trong công ty Truyền thông iTV. Hiến pháp Thái Lan cấm các ứng cử viên tranh cử vào hạ viện sở hữu cổ phần trong các công ty truyền thông.
Ông Pita Limjaroenrat xuất hiện trước công chúng hôm 9-7 Ảnh: REUTERS
Thậm chí, theo EC, vụ việc đã vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của luật bầu cử. EC cáo buộc ông Pita tranh cử dù biết rõ mình không đủ tư cách và điều này vi phạm luật hình sự, có thể dẫn đến bản án tù tối đa là 3 năm và/hoặc kèm theo mức phạt tiền lên tới 60.000 baht (1.720 USD) đối với cá nhân ông Pita cũng như 100.000 baht (2.865 USD) đối với MFP.
Truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức Tòa án Hiến pháp cho biết tòa án chưa xem xét vụ kiện này ngay hôm 12-7. Phía MFP cũng tuyên bố sẽ kiện EC vì chuyển vụ việc lên Tòa án Hiến pháp mà không để ông Pita tự bào chữa trước.
Về mặt nguyên tắc, theo hiến pháp Thái Lan, ứng viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sĩ, song giới quan sát nhận xét động thái của EC ngay sát ngày bỏ phiếu có thể ảnh hưởng quyết định của các nhà lập pháp.
Ông Pita là ứng cử viên chính của liên minh 8 đảng do MFP dẫn đầu. Liên minh này giành được tổng cộng 312/500 ghế hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5.
Tuy nhiên, cũng theo hiến pháp, thượng viện với 250 thành viên sẽ tham gia bầu thủ tướng với hạ viện và ứng viên thắng cử phải giành được sự ủng hộ của đa số từ cả 2 viện hoặc ít nhất 376 phiếu bầu.
Bình luận (0)