Giá dầu thô Brent đã kết thúc đà tăng 3 ngày liên tiếp trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh trong bối cảnh giới quan sát đang chờ đợi bước tiếp theo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài, gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) và tác động của biến thể Omicron.
Giá dầu thô Brent giảm còn 75,86 USD/thùng cuối phiên hôm 24-12 nhưng tăng 3% trong tuần qua. Giá dầu đã phục hồi trong tuần này do những lo ngại về tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm dần khi những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron gây bệnh nhẹ.
Nhà phân tích Jeffrey Halley tại Tập đoàn OANDA (Mỹ) cho biết đà phục hồi nhẹ có thể tiếp tục diễn ra vào tháng 1 và kéo đến tháng 2-2022.
Hồi tuần trước, giá dầu đã tăng nhẹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ chấm dứt việc mua trái phiếu vào tháng 3-2022, mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng sẽ cần thiết vào năm tới.
Công nhân làm việc tại giàn khoan của một nhà sản xuất dầu vùng ngoại ô TP Broomfield, bang Colorado - Mỹ hôm 2-12 Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng giá dầu khó có thể thay đổi đáng kể trong năm 2022 vì đến cuối năm sau, nhu cầu mới phục hồi về mức trước đại dịch.
Một số nhà đầu tư vẫn thận trọng trong bối cảnh các ca mắc biến thể Omicron tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo cuộc chiến chống lại biến thể mới còn lâu mới kết thúc dù các hãng dược khẳng định vắc-xin của họ vẫn hiệu quả trước Omicron và dữ liệu mới cho thấy biến thể này gây nguy cơ nhập viện thấp.
Nhu cầu dầu toàn cầu tăng trở lại trong năm 2021 khi thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch và mức tiêu thụ của thế giới có thể đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, bất chấp những nỗ lực hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, giá khí đốt của châu Âu đã lên mức kỷ lục mới vào hôm 21-12, tăng gần 800% kể từ đầu năm. Tuy giá có giảm vào hôm 24-12 nhưng vẫn tăng hơn 400%. Châu Âu đã lập kỷ lục về việc khai thác khí đốt từ kho chứa vì nguồn cung thiếu hụt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-12 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) chỉ đổ lỗi cho các chính sách, trong khi một số thành viên EU bán lại khí đốt giá rẻ của Nga với giá cao hơn nhiều trong khối.
Ông Putin kêu gọi EU thông qua tuyến đường dẫn khí đốt mới của Nga Nord Stream 2 nhằm giảm tình trạng khủng hoảng về giá. Trước đó, hôm 16-11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức đã thông báo tạm hoãn tiến trình phê duyệt dự án đường ống Nord Stream 2 vì lý do công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức.
Đường ống Nord Stream 2 bị Mỹ và một số quốc gia Đông Âu phản đối vì cho rằng sẽ làm tăng sự phụ thuộc khí đốt của EU vào Nga trong khi thực tế Nga cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khối này. Đường ống từ Nga đến Đức này, được xây dựng vào tháng 9, vẫn đang chờ sự chấp thuận của Berlin và Brussels.
Theo hãng tin Reuters, ông Putin cho rằng Đức đang bán lại khí đốt của Nga cho Ba Lan và Ukraine thay vì giải tỏa cơn sốt thị trường. Ông Putin nhấn mạnh Nga không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng giá khí đốt ở châu Âu. Nga cũng đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc chính trị về khí đốt và cho biết đang đáp ứng tất cả các khoản mà họ đã ký hợp đồng cung cấp.
Phó Thủ tướng Nga Novak lập luận châu Âu đang thiếu nguồn cung cấp bổ sung của Nga vì sự chậm trễ thông qua dự án Nord Stream 2. Theo ông Novak, tuyến Nord Stream 2 của Nga một khi được vận hành sẽ giúp hạ nhiệt giá khí đốt tại châu Âu.
Bình luận (0)