Đà tụt dốc không phanh của giá dầu thế giới tiếp tục trong ngày 14-1 sau khi đã xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm qua 1 ngày trước đó. Theo Reuters, giá dầu Brent giao tháng 2 tại thị trường London (Anh) giảm còn 45,89 USD/thùng trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York - Mỹ còn 45,24 USD/thùng. Ngân hàng Thế giới vừa cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015, làm tăng thêm nỗi lo về một viễn cảnh kinh tế u ám vào thời điểm cung đang vượt cầu trên thị trường dầu.
Giá dầu không ngừng sụt giảm do cung đang vượt cầu Ảnh: AP
Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ hôm 13-1 dự báo sản lượng dầu khai thác tại nước này sẽ tăng trong năm 2015 dù tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại. Theo EIA, sản lượng dầu trung bình của Mỹ trong năm 2015 có thể đạt 9,3 triệu thùng/ngày, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với cuối năm 2014. Dự báo này không gây nhiều ngạc nhiên nhưng chắc chắn sẽ khiến giá dầu khó sớm hồi phục sau khi giảm 55% kể từ tháng 6-2014. Theo bộ này, giá trung bình của dầu Brent sẽ đạt mức 58 USD/thùng trong năm nay trước khi tăng lên 75 USD/thùng năm 2016.
Báo The New York Times nhận định nếu dự đoán của EIA đúng thì sẽ giáng một đòn mạnh vào hy vọng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc Mỹ giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên lại. Suhail Mohamed Faraj al-Mazrouei, Bộ trưởng Dầu mỏ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hôm 13-1 tiếp tục nói cứng rằng OPEC chờ Mỹ giảm sản lượng trước. Theo khảo sát của Công ty Platts, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 12-2014 đạt mức 30,03 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.
Tuyên bố trên chắc chắn không làm một số thành viên OPEC khác hài lòng, nhất là Iran, Venezuela và Algeria. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng ngày cảnh báo những nước khiến giá dầu sụt giảm “sẽ phải hối tiếc”. Tuy không nói rõ nước nào nhưng ông Rouhani nhận định giá dầu thấp có thể khiến Ả Rập Saudi và Kuwait thiệt hại nhiều hơn cả Iran. Theo ông, kim ngạch xuất khẩu dầu hiện đóng góp khoảng 1/3 ngân sách Iran. Trong khi đó, 95% ngân sách của Kuwait phụ thuộc vào dầu, còn 90% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Ả Rập Saudi có liên quan đến dầu.
Bình luận (0)