So với thời điểm 15-1, giá dầu Brent quốc tế đã giảm tổng cộng 2%. Giá dầu thô Mỹ (CLc1) cũng mất 58 cent xuống còn 28,84 USD/thùng sau khi chạm mức thấp hồi năm 2003 (28,36 USD/thùng) vào đầu phiên giao dịch.
Đáng lo ngại hơn, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt về hạt nhân đối với Iran có thể kéo giá dầu giảm sâu trong những ngày sắp tới.
Sau khi bị áp đặt lệnh trừng phạt năm 2011, Iran – một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – bị buộc phải cắt giảm sản lượng từ 2 triệu thùng/ngày xuống ít hơn 1 triệu thùng/ngày.
Giám đốc chương trình Quản lý Kinh tế, Xử phạt và Thị trường Năng lượng Richard Nephew tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của ĐH Columbia (Mỹ), cho biết Iran hiện tại có thể thoải mái bán dầu cho bất kỳ ai với số lượng và giá tùy thích.
Thứ trưởng Dầu mỏ Iran hôm 17-1 thông báo Tehran sắp tới sẽ tăng xuất khẩu dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày. Theo Ngân hàng ANZ, Iran có khả năng giảm giá dầu để thu hút thêm khách hàng, qua đó kéo giá dầu tiếp tục lao dốc.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng Iran phải mất một thời gian để khôi phục hạ tầng xuất khẩu dầu nhưng nước này đang nắm trong tay hàng chục “siêu tàu chở dầu” sẵn sàng cung ứng cho thị trường bất kỳ thời điểm nào.
Giá dầu lao dốc tiếp tục làm tổn thương các thị trường chứng khoán ở châu Á hôm 18-1.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1% trong những giờ giao dịch đầu ngày. Như vậy, chỉ số này đã giảm 11% kể từ đầu năm 2016.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm đến 2,8% xuống mức thấp nhất trong 1 năm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm gần 2%.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Atlanta, nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng 0,6% trong quý IV-2015, giảm mạnh so với 2% quý trước đó. Lợi nhuận quý IV của các công ty Mỹ được dự báo sẽ giảm hơn 4%.
Bên ngoài nước Mỹ, tình hình thậm chí còn u ám hơn. Cổ phiếu Ả Rập Saudi .TASI giảm 5,4% hôm 17-1, thấp nhất trong vòng 5 năm qua khiến Riyadh có thể phải cắt giảm chi tiêu, khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại và báo hiệu một cuộc suy thoái nếu giá dầu không ngừng trượt giá.
Trong khi đó, cổ phiếu của Brazil chạm đáy kể từ tháng 3-2009 và không có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Trên thị trường tiền tệ, giá trị đồng CAD của Canada xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2003, trong khi đồng yen Nhật tăng lên 116,51 yen đổi 1 USD.
Bình luận (0)