Năm 2017, nhiếp ảnh gia tự do Gary Jackson bắt đầu hành trình tìm kiếm nhà riêng ở Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Úc, chỉ để đi đến cái kết vào 5 năm sau: Từ bỏ ước mơ về một ngôi nhà!
Tăng bất chấp đại dịch
Người đàn ông độc thân 40 tuổi này kể với đài Al Jazeera: "Khi tôi mới bắt đầu tìm kiếm, giá nhà đã rất cao rồi. Sau đó, Covid-19 bùng phát, công việc của tôi bị ảnh hưởng và tôi phải sống dựa vào trợ cấp của chính phủ".
Trải nghiệm như ông Jackson rất phổ biến ở Úc, nơi giá nhà bình quân đã tăng gần gấp ba trong 20 năm qua, vượt ngưỡng 1 triệu AUD/căn (hơn 17 tỉ đồng) hồi tháng 1 năm nay. Trong cùng thời gian, lương tăng chưa đến 82%, theo công ty tài chính CoreLogic.
Bảng khảo sát về khả năng mua nhà quốc tế của Demographia cho thấy Sydney, thành phố lớn nhất Úc, trở thành thành phố khó mua nhà thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Hồng Kông (Trung Quốc).
Tại Canada, hãng tin Bloomberg cho hay giá nhà đã tăng hơn 50% trong 2 năm qua. Đặc biệt, hồi tháng 2 vừa qua, người dân tích cực tìm mua nhà trước khi Ngân hàng Canada tăng lãi suất, đẩy giá nhà tham chiếu lên mức 869.300 CAD/căn (gần 15,8 tỉ đồng), biến Canada thành một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới phát triển.
Một căn nhà đang được rao bán ở TP Toronto, tỉnh bang Ontario, Canada Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, giá nhà tại Anh khiến ngay cả giới chuyên gia cũng bị sốc, theo báo The Guardian.
Những tưởng hơn 2 năm đại dịch cộng với hàng loạt điều kiện kinh tế bất lợi như lạm phát cao khiến thu nhập hộ gia đình bị ảnh hưởng, thị trường nhà ở sẽ "án binh bất động". Nhưng không, theo Ngân hàng Halifax, giá nhà tại Anh đang tăng ở mức nhanh nhất kể từ năm 2007 và giá nhà bình quân vừa lập kỷ lục mới với mức 278.123 bảng (hơn 8,3 tỉ đồng).
Lý giải với trang Express, chuyên gia về thế chấp Pete Mugleston cho rằng nhu cầu nhà ở tăng lên trong đại dịch một phần do người dân tranh thủ lúc lãi suất cho vay thấp và thuế trước bạ được giảm. Ngoài ra, đại dịch khiến nhiều cư dân đô thị tìm kiếm nơi ở mới có nhiều không gian mở hơn, như về quê hay ra gần biển sinh sống.
Cần tầm nhìn xa hơn
Một phần giải pháp làm nguội bớt giá nhà được Canada áp dụng là cấm hầu hết người nước ngoài mua nhà trong vòng 2 năm, trừ các đối tượng sinh viên, người lao động nước ngoài hay công dân nước ngoài là thường trú nhân tại Canada.
Song song đó, chính phủ Canada có một số kế hoạch hỗ trợ người mua nhà mới, chẳng hạn chính sách miễn thuế giúp người Canada dưới 40 tuổi tiết kiệm tối đa 40.000 CAD tiền trả trước cho một căn nhà.
Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison hồi tuần trước cũng chỉ ra chính phủ của ông vừa mở rộng chương trình bảo lãnh cho vay để mua nhà, cụ thể là cho phép người mua nhà lần đầu được vay tối đa 95% giá trị của bất động sản mà không cần mua bảo hiểm thế chấp. Tuy nhiên, theo Al Jazeera, chương trình trên dù được mở rộng cũng chỉ hỗ trợ được khoảng 25.000 người đã "kề vạch đích" sở hữu nhà.
Với những người chỉ trích, điều Úc cần để giải bài toán nhà ở là một tầm nhìn rộng hơn, bởi ngoài những nguyên nhân như lãi suất thấp, vay mượn dễ, nước này còn vướng phải thực trạng nguồn cung nhà hạn chế trong khi dân số đã tăng 1/3 trong 2 thập kỷ gần đây.
Ông Daniel Lewkovitz, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do, cho rằng Úc cần học tập Israel khi nước này xây thành phố Be’er Sheva ở giữa sa mạc Negev.
"Các nhà lãnh đạo Úc thời xưa đã xây dựng nhiều thành phố ở nơi đồng không mông quạnh như Canberra… Đất đai ở Úc rộng lớn nhưng người dân chỉ dồn lại sinh sống ở những khu vực rất nhỏ. Bên ngoài những khu vực này, hạ tầng và dịch vụ rất hạn chế. Không thấy chính phủ nào gần đây đưa ra ý tưởng xanh hóa sa mạc bằng các thành phố mới" - ông Lewkovitz chỉ ra.
Tương tự, ông Simeon Papailias, người sáng lập công ty đầu tư bất động sản REC Canada, nhận định lệnh cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada khó kéo giảm giá nhà dù cũng bớt đi phần nào mức độ cạnh tranh trên thị trường, bởi vấn đề còn nằm ở chỗ thiếu nguồn cung.
Chính vì vậy, trong dự thảo ngân sách mới, Bộ Tài chính Canada đã dành ra nhiều tỉ CAD để xây thêm nhà ở và hỗ trợ chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Trung Quốc nới lỏng thị trường
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào đầu tháng 3 đã kêu gọi thực hiện các biện pháp về bất động sản đô thị để đáp ứng nhu cầu thực sự của người mua nhà, mở đường cho chính quyền địa phương nới lỏng một số hạn chế dựa trên điều kiện từng thành phố.
Trong tháng 3, khoảng 20 thành phố vừa và nhỏ đã công bố các bước đi nhằm thúc đẩy nhu cầu mua nhà, chẳng hạn cho phép trả trước khoản tiền nhỏ, giảm lãi suất thế chấp, giảm bớt điều kiện mua nhà...
Theo China Index Academy, một trong những công ty nghiên cứu bất động sản lớn nhất Trung Quốc, giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 3 tăng nhẹ, đặc biệt là ở các thành phố lớn - như Thượng Hải. Nhưng nhìn chung, nhu cầu mua nhà ở các thành phố nhỏ vẫn khá thấp, với 53/100 thành phố được khảo sát có mức giá nhà mới giảm xuống trong tháng 3.
Đợt bùng phát Covid-19 mới kéo theo lệnh phong tỏa diện rộng ở nhiều thành phố hiện nay cũng khiến đà phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc bị gián đoạn.
Bình luận (0)