Hơn 85 triệu người (khoảng 1/4 dân số Mỹ) ở ít nhất 20 bang nằm trên đường đi của cơn bão tuyết đầu mùa đông Jonas đang càn quét dọc bờ Đông nước Mỹ.
Có thể thiệt hại 1 tỉ USD
Cơn bão có thể phủ lượng tuyết dày hơn 100 cm ở một số nơi, gây mất điện trên diện rộng và gián đoạn giao thông ở nhiều tuyến đường. Theo dự báo, thủ đô Washington và TP Baltimore (bang Maryland) có thể nằm dưới lớp tuyết dày 76 cm vào thời điểm bão tuyết đi qua ngày 24-1 (giờ địa phương), xô ngã kỷ lục 71 cm trong 2 ngày vào năm 1922.
Đã có Washington và 10 bang ban bố tình trạng khẩn cấp, như Tennessee, Bắc Carolina, Virginia, Maryland, Pennsylvania..., khi cơn bão tiến về phía Bắc. Cơ quan Dự báo Thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo đây có thể là một trong những cơn bão tuyết tồi tệ nhất trong lịch sử Washington, kèm theo gió mạnh 80 km/giờ. Các nhà chức trách lo những vùng trũng ở bang New York và New Jersey bị lũ lụt nhấn chìm trong những ngày cuối tuần.
Việc đi lại bằng hàng không ở bờ Đông gần như đình trệ. Theo CNN, hơn 8.800 chuyến bay bị hủy trong 2 ngày 22 và 23-1. Các hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô Washington, đông đúc thứ hai nước Mỹ, ngừng hoạt động cuối tuần này. Bên cạnh đó, hơn 130.000 người đang sống trong cảnh mất điện. Các siêu thị cạn sạch thực phẩm do người dân đổ xô đi mua trước khi tuyết rơi hôm 22-1.
Tính đến ngày 23-1 (giờ địa phương), số người chết do tai nạn giao thông trên khắp nước Mỹ là 10 người. Cảnh sát bang Virgina cho biết họ phải giải quyết gần 1.000 vụ tai nạn. Nguy hiểm nhất là hiện tượng “băng đen”, tức nước đọng trên lòng đường sau cơn mưa bị đông cứng nhưng lại rất khó nhìn thấy bằng mắt thường, dễ gây tai nạn giao thông.
Tuyết trút không ngừng làm nhiều người lái xe ở Kentucky gặp phải ác mộng giữa đời thực. Cảnh sát bang này kể rằng một số người mắc kẹt đến 12 giờ trong thời tiết giá lạnh. “Chúng tôi kiểm tra từng xe một để giúp mọi người” - đại diện cảnh sát Kentucky nói.
Theo lời kể của phóng viên CNN, cô nhìn thấy hơn 100 xe hơi ở phía trước trên đường cao tốc ở Kentucky. Những người gần đó hết xăng, không có thức ăn và nước uống trong một thời gian dài. Với những người phải chôn chân tại sân bay như Jennifer Bremer thì cũng chẳng khá hơn. “Tôi có máy tính, điện thoại và một cuốn sách hay nhưng không có quần áo thay” - cô Bremer vừa nói vừa nhìn vào bảng lịch trình chuyến bay tại sân bay quốc tế O’Hare ở TP Chicago, bang Illinois). Hãng tin AP dẫn ước tính của Giám đốc Cơ quan Thời tiết quốc gia, ông Louis Uccellini, rằng cơn bão Jonas có thể gây thiệt hại hơn 1 tỉ USD.
Nước sôi cũng thành tuyết
Tại Trung Quốc, nhiệt độ đang ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua ở nhiều khu vực, sau khi giảm liên tục 14 độ C trong vài ngày qua. Trước khi đợt lạnh kỷ lục ập đến, lực lượng cứu hộ luôn trong tư thế sẵn sàng, đường cao tốc đóng cửa, còn tàu thuyền phải tìm nơi an toàn tránh gió do biển động mạnh. Hàng loạt chuyến bay đi và đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh lịch trình do tuyết rơi dày che phủ đường băng. Hàng trăm trạm tránh rét khẩn cấp với sức chứa hơn 100.000 người đã được lập nên gần các nhà ga và bến xe khách.
Đợt lạnh này ước tính làm 90% diện tích Trung Quốc bị đóng băng, một số khu vực tuyết có thể rơi dày từ 20-25 cm. Các trường tiểu học, mẫu giáo đã cho học sinh nghỉ học, còn nhiều trường trung học bắt đầu kỳ nghỉ đông sớm hơn mọi năm. Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo từ màu vàng lên màu cam, nằm ở vị trí thứ 2 trên bảng cảnh báo về thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ ở Bắc Kinh đang ở khoảng -17 độ C, trong khi đa phần các khu vực phía Bắc đều -40 độ C.
Tại Cáp Nhĩ Tân, nước sôi cũng thành tuyết ngay tức thì sau khi bị hắt vào không trung. Còn ở Nội Mông, ông Miêu Cảnh Xuân (53 tuổi) nhận xét đây là đợt lạnh khủng khiếp nhất trong vòng 20 năm qua, những xe cộ để bên ngoài đều bị đông cứng, không thể khởi động được. Theo báo The Straits Times, đợt lạnh gây thiệt hại nặng cho Trung Quốc gần đây là vụ bão tuyết năm 2008, làm 129 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 150 tỉ nhân dân tệ.
Các nhà dự báo cho biết đợt lạnh năm nay không có khả năng gây thiệt hại lớn vì không kéo dài. Thế nhưng, nhiều nông dân cũng như nhà đầu tư xây dựng vẫn rất lo lắng vì hoa màu có thể chết trong khi các công trường phải đóng cửa. “Nhiệt độ sẽ ở dưới 0 độ trong nhiều ngày tới. Chắc chỉ còn 10% các loại rau của tôi sống được” - một nông dân trồng rau họ Chu ở tỉnh Hồ Nam than thở.
Bình luận (0)