Tại thủ đô Jakarta - Indonesia, hàng ngàn người tuần hành tới Cung điện Hoàng gia trước khi tập trung tại Senayan để tuyên bố sự ra đời của một chính đảng mới đại diện cho người lao động nước này. Với sự tham gia của khoảng 178.000 người, đây được cho là cuộc tuần hành lớn nhất trong nhiều năm qua ở đất nước vạn đảo.
Đồng hành với dòng người là hàng loạt biểu ngữ nói không với sự tư nhân hóa các công ty nhà nước, chủ nghĩa đế quốc, lao động giá rẻ, tăng giá, đồng thời yêu cầu cải thiện phúc lợi công… Chính quyền thủ đô Jakarta đã điều động 18.000 cảnh sát để thắt chặt an ninh trong ngày này.
Cuộc tuần hành kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 1-5
Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, đám đông tuần hành ở thủ đô Manila - Philippines kêu gọi tăng lương và cơ hội việc làm tại quê nhà để ngăn dòng người đổ ra nước ngoài tìm việc. Họ cũng chỉ trích Tổng thống Benigno Aquino bỏ rơi người lao động, thể hiện qua việc ông đến Cebu thay vì đối mặt với sự thất vọng và phẫn nộ của họ.
Bất bình cũng là tâm trạng của hàng chục ngàn người tham gia tuần hành tại thủ đô Seoul - Hàn Quốc. Tại đây, họ phát đi thông điệp cảnh báo tổng đình công sẽ nổ ra nếu chính phủ tiếp tục thúc đẩy cải cách lao động. Hàng ngàn cảnh sát đã có mặt để ngăn cản đám đông tiến tới dinh tổng thống, khiến xung đột nổ ra giữa hai bên.
Không nhuốm màu đụng độ như Hàn Quốc, ngày Quốc tế Lao động tại Trung Quốc ghi nhận nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trên cả nước để kích cầu du lịch. Tại Nga, khoảng 300 cuộc mít tinh diễn ra ôn hòa khắp nước.
Riêng ở Moscow, hơn 140.000 người tập trung tại Quảng trường Đỏ nổi tiếng để kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhiều công nhân mang theo cờ và những biểu ngữ “Giá tăng, lương phải tăng gấp đôi” hoặc “Làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu”… Nhà chức trách Moscow huy động khoảng 8.000 người, trong đó có 3.000 cảnh sát và binh lính, để bảo đảm trật tự và an ninh cho sự kiện lớn này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ chọn cách đóng cửa trung tâm TP Istanbul và điều động 20.000 cảnh sát phong tỏa từ đường phố tới giao thông để ngăn chặn tuần hành đến Quảng trường Taksim - vốn được coi là biểu tượng của các cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan, người đang bị chỉ trích là ngày càng độc đoán trước thềm các cuộc bầu cử vào tháng 6 sắp tới.
Hàng trăm người mang theo cờ vẫn tập trung ở khu Besiktas gần đó bất chấp sự ngăn chặn của cảnh sát. Theo hãng tin Reuters, cảnh sát đã bắn hơi cay về phía người biểu tình để đáp trả hành động ném đá.
Mở rộng thông điệp
Các cuộc tuần hành đòi quyền lợi cho người lao động và người nhập cư diễn ra khắp nước Mỹ trong ngày Quốc tế Lao động 1-5 (giờ địa phương). Tại TP Portland, bang Oregon, những người tham gia yêu cầu tăng lương tối thiểu và ủng hộ chương trình bảo vệ hàng triệu người nhập cư trái phép khỏi nguy cơ bị trục xuất mà Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi.
Trong bối cảnh căng thẳng chủng tộc leo thang, các nhà hoạt động còn mở rộng thông điệp để thu hút sự chú ý đối với “những hành động tàn bạo của cảnh sát nhằm vào cộng đồng người thiểu số”.
“Điều quan trọng là đứng lên ủng hộ các phong trào đấu tranh vì quyền lợi của những người đang bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống. Giờ đây, người nhập cư và người Mỹ gốc Phi đều trở thành mục tiêu của tình trạng này” - ông Miguel Paredes, nhân viên điều phối Liên minh Các quyền nhập cư nhân đạo của Los Angeles, nói với hãng tin AP.
Trước thềm các cuộc tuần hành hôm 1-5, làn sóng biểu tình phản đối cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở TP Baltimore, bang Maryland vẫn diễn ra tại nhiều thành phố khắp nước Mỹ. Tại Baltimore, hàng trăm người xuống đường tối 30-4 trước khi lệnh giới nghiêm tiếp tục có hiệu lực từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau.
Theo báo Los Angeles Times, không có sự cố lớn nào được ghi nhận ở địa phương này. Tuy nhiên, đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và vài trăm người biểu tình ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania.
Phương Võ
Bình luận (0)