Vì thế, Kaul quyết định quay trở lại quê hương vào tháng 6 qua. Kaul liên lạc với một tập đoàn CNTT đa quốc gia ở New Delhi, nơi anh đã từng làm việc 3 năm trước đó, và họ đã nhận lại anh. Theo Kaul, việc trở về Ấn Độ là một lựa chọn an toàn và hấp dẫn hơn so với ở lại Mỹ do nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng, việc làm không thiếu, tiền lương ngày càng cao và tiện nghi cuộc sống dần cải thiện.
Trong một sự chuyển hướng đáng ngạc nhiên, ngày càng có nhiều chuyên viên CNTT Ấn Độ tại Mỹ như Kaul trở về quê hương làm việc. Lý do thật đơn giản: Sự sụp đổ của lĩnh vực dotcom (kinh doanh trên mạng) khiến ngành công nghiệp phần mềm Mỹ càng thêm khó khăn và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Các công ty hoạt động tại thung lũng Silicon ở bang California, trung tâm của ngành công nghiệp này, đã đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động đáng kể. Nhiều chuyên viên CNTT Ấn Độ có trình độ cao từng bị nước Mỹ thu hút giờ lại bị sa thải. Tồi tệ hơn, cơ hội việc làm dành cho họ không nhiều. Tỉ lệ thất nghiệp tại California hiện nay là 6,9%. Trong lĩnh vực CNTT, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn. Ngược lại, trong 3 năm qua, ngành CNTT Ấn Độ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 35% mỗi năm bất chấp sự suy sụp của lĩnh vực này ở Mỹ.
Việc nhiều chuyên gia CNTT Ấn Độ ở Mỹ quay về nước để tìm kiếm cơ hội làm việc khác hẳn những gì diễn ra vài năm trước đó. Từ năm 1997 đến giữa năm 2001, ngành CNTT tại thung lũng Silicon bùng nổ. Cuộc sống ở California tốt đến nỗi nó là bang thu hút nhiều nhân tài Ấn Độ nhất. Trong năm 2000, có 314.819 người Ấn Độ ở California, phần lớn làm việc trong lĩnh vực CNTT tại thung lũng Silicon. Thậm chí, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước có số người nhập cư vào Mỹ nhiều thứ 2, chỉ sau Mexico. Giờ đây, xu hướng này đang giảm xuống và thậm chí sẽ đảo ngược nếu ngành CNTT Mỹ không sớm hồi phục. Ông Vipul Goel, Giám đốc Hãng Tư vấn phần mềm NetAppl Inc, cho biết: “Nhiều người Ấn Độ đã quay về nước, cho dù họ có cả “thẻ xanh” và gia đình ở Mỹ. Họ nghĩ là họ sẽ trở lại khi mọi chuyện tốt hơn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra”.
Xu hướng hiện nay là thay vì đưa các kỹ sư Ấn Độ sang Mỹ làm việc, ngày càng có nhiều công ty Mỹ đưa việc làm sang các trung tâm công nghệ của Ấn Độ, nơi các chuyên viên CNTT đòi lương thấp hơn so với ở Mỹ. Ngoài ra, việc gia công phần mềm ngày càng ít được thực hiện tại những công ty Ấn Độ mà tại các chi nháËnh của những công ty Mỹ nói trên. Để điều hành những chi nhánh này, các công ty Mỹ tuyển dụng chuyên gia Ấn Độ tại thung lũng Silicon, vốn là những người có kinh nghiệm làm việc của Mỹ và sẵn lòng làm việc ở quê hương với mức lương chỉ bằng phân nửa so với khi ở Mỹ.
Bình luận (0)