Chuyện kéo dài tuổi thọ vốn chỉ được thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng có thể không còn là chuyện quá xa vời trong vài thập kỷ tới nếu dự báo của những chuyên gia dưới đây trở thành hiện thực.
Liệu pháp tái tạo
Tiến sĩ Aubrey de Grey, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc khoa học của Tổ chức Nghiên cứu SENS ở bang California - Mỹ, cho biết họ đang phát triển những liệu pháp tái sinh giúp loại bỏ, sửa chữa, thay thế hoặc vô hiệu hóa những tổn hại đối với tế bào, phân tử đã tích tụ trong mô cơ thể người theo thời gian.
Nhà khoa học Anh này tin rằng con người có thể sống đến 10 thế kỷ bởi nghiên cứu của SENS đang hướng đến mục đích “sửa chữa những tác động của quá trình lão hóa”. Ông cũng đặt cược vào những phương pháp điều trị mang tính phòng ngừa, cho phép cơ thể con người có thể liên tục được “tái sửa chữa để sống đến 1.000 năm hoặc thậm chí là trường sinh bất lão”.
Ông De Grey nhấn mạnh mình là một trong số rất ít nhà khoa học quan tâm đến việc ngăn chặn, hơn là làm chậm, quá trình lão hóa. Ông cũng cảm thấy khó hiểu khi giới khoa học không dành nhiều quan tâm cho hướng đi này.
“Nhiều người có khái niệm điên rồ rằng lão hóa là quá trình tự nhiên và không thể tránh được. Tôi phải thường xuyên giải thích rằng điều này không đúng. Cơ thể người như một cỗ máy gồm nhiều bộ phận. Cũng như xe hơi hoặc máy bay, cơ thể người cũng phải chịu hỏng hóc theo thời gian dài hoạt động” - ông de Grey nhấn mạnh. Website của SENS cho biết chỉ có 7 nguyên nhân khiến con người già đi và chúng đều có thể được giải quyết.
Nhiều nhà khoa học đến giờ vẫn không chấp nhận lý thuyết nghe có vẻ hoang đường của ông De Grey. Dù vậy, công trình nghiên cứu của SENS lại đang được một số công ty công nghệ hàng đầu, trong đó có Google, tài trợ. Sự tham gia của Google cho thấy mối quan tâm đặc biệt của đại gia công nghệ Mỹ này đến giấc mơ trường sinh.
Theo trang Business Insider, ông Ray Kurzweil, nhà tương lai học của Google, thuộc số những người tin rằng với sự hỗ trợ của công nghệ, con người sẽ trở nên bất tử vào năm 2045 hoặc sớm hơn. “Tôi tin rằng năm 2029 là thời điểm mà những công nghệ y tế sẽ đủ khả năng kéo dài tuổi thọ của chúng ta thêm từng năm một sau mỗi năm” - ông Kurzweil dự báo.
Robot siêu nhỏ
Để tăng cường sức nặng cho dự báo táo bạo trên, ông Kurzweil chỉ ra những bước tiến lớn về công nghệ và y học thời gian qua. Thứ nhất, công nghệ đang phát triển nhanh chóng theo chiều hướng mạnh và ít đắt đỏ hơn, trong lúc kích thước thiết bị ngày càng nhỏ. Chẳng hạn như chiếc điện thoại thông minh ông đang dùng nhỏ, mạnh và rẻ hơn nhiều so với chiếc máy tính 11 triệu USD mà ông từng sử dụng trong những năm 1960.
Thứ hai, Trung tâm Bệnh tiểu đường Joslin ở bang Connecticut - Mỹ đã sử dụng công nghệ sinh học để vô hiệu hóa gien hấp thu insulin béo trên cơ thể động vật. Những con vật được thí nghiệm ăn rất nhiều nhưng không mập lên, không bị tiểu đường, bệnh tim và có thể sống lâu hơn 20%.
Theo ông Kurzweil, bằng cách loại bỏ những gien già cỗi không đảm nhận chức năng gì ra khỏi cơ thể, chúng ta có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ con người. Không những thế, những robot siêu nhỏ sẽ “đồn trú” trong dòng máu để giúp hệ miễn nhiễm chống lại bệnh tật. Nỗi lo của người đàn ông 68 tuổi này là mình có thể qua đời trước khi kiểm chứng những dự đoán trên vào năm 2045.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi ông đang ăn uống theo một chế độ nghiêm ngặt với hy vọng sống đến thời điểm nói trên để biết được liệu giấc mơ trường sinh có thành hiện thực hay không. Không dừng lại ở đó, ông còn uống khoảng 100 viên thuốc/ngày (giảm so với con số 250 viên vài năm trước) để giúp cải thiện sức khỏe của cơ thể, trong đó có mắt, tim, não…Tính ra, ông tốn khoảng vài ngàn USD/ngày cho nỗ lực kéo dài tuổi thọ - một số tiền vượt quá khả năng của nhiều người.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Không ít nhà khoa học đã lên tiếng chỉ trích nỗ lực tìm kiếm sự trường sinh, cho nó là hoang đường. Tiến sĩ Tilo Kunath, Trung tâm Y học Tái tạo thuộc Trường ĐH Edinburgh (Anh), cho rằng những phát biểu của ông De Grey hoàn toàn sai lầm bởi con người khó có thể sống lâu hơn 120 tuổi trong ít nhất 100 năm tới.
Theo chuyên gia này, cơ thể con người như một đồng hồ được hẹn giờ để tế bào bắt đầu chết ở một độ tuổi nhất định. “Với bộ gien hiện có, trong ít nhất 100 năm tới, không có chuyện con người sống hơn 120 tuổi thông qua biến đổi gien, thuốc men hoặc chế độ ăn uống” - ông khẳng định.
Bình luận (0)