Sau khi khống chế thành công "ổ dịch" Nam Kinh hồi cuối tháng 7, Trung Quốc sẵn sàng mở cửa lại nhiều trường học vào tháng 9, tất nhiên là với một số hạn chế.
Những "vũ khí" mũi nhọn
Tại Nam Kinh, các trường tiểu học và cấp II ở các khu vực nguy cơ cao sẽ lùi ngày nhập học lại 2 tuần, còn các trường ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên... mở cửa bình thường vào đầu tháng 9.
Theo báo The Guardian (Anh), giáo viên và học sinh ở Bắc Kinh phải có xét nghiệm âm tính kèm theo "thẻ thông hành Covid-19" để quay lại lớp học. Tất cả hoạt động không thiết yếu như cắm trại, huấn luyện quân sự, các môn thể thao tiếp xúc gần... bị hủy bỏ hoặc chuyển sang trực tuyến.
Học sinh ở TP Thâm Quyến còn phải đo nhiệt độ bắt buộc, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên.
Học sinh tiểu học ở Jakarta - Indonesia đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tan học Ảnh: REUTERS
Ngoài những biện pháp trên, các trường học ở Hàn Quốc còn yêu cầu giữ phòng học thông thoáng, học sinh chỉ được tháo khẩu trang trong giờ ăn và ăn trong im lặng.
Nghiêm ngặt hơn, học sinh ở thủ đô Jakarta của Indonesia phải mang thức ăn riêng đến lớp vì căng-tin bị đóng cửa. Nhờ tỉ lệ tiêm phòng cao nhất nước, chỉ mới có Jakarta được hoạt động lại tất cả 610 trường học hồi tuần rồi sau gần 18 tháng đóng cửa trong khi nhiều tỉnh khác tiếp tục học trực tuyến.
Hơn 90% trẻ em độ tuổi 12-18 và 85% đội ngũ giáo viên ở Jakarta đã được tiêm chủng đầy đủ. Tính đến đầu tháng 9, tất cả giáo viên ở Hàn Quốc cũng được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19, còn học sinh trung học sẽ được tiêm đầy đủ trước khi bước vào kỳ thi quan trọng nhất là thi đại học quốc gia (ấn định vào ngày 18-11). Tại Trung Quốc, thậm chí một số tỉnh, thành còn bắt buộc tiêm chủng toàn bộ thành viên gia đình để trẻ em được quay lại trường.
Linh hoạt trong cách tổ chức cũng là một giải pháp, ví dụ các trường học ở Jakarta chỉ hoạt động 50% công suất, với một nửa số học sinh tiếp tục ở nhà học trực tuyến. Tại Nhật Bản, nơi đang vật lộn với làn sóng dịch thứ 5, nhiều thành phố như Yokohama và Kawasaki chia đôi các lớp học thành 2 buổi sáng - chiều.
Học sinh trung học ở Nam Kinh chờ tiêm vắc-xin Covid-19. Ảnh: China Daily
"Lợi ích lớn hơn nguy cơ"
Từ tháng trước, Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành hướng dẫn trường học tạm đóng cửa tối đa 7 ngày ngay khi xảy ra lây nhiễm ở một lớp học. Tuy nhiên, thông điệp nhất quán, theo Bộ trưởng Koichi Hagiuda, là "phải mở cửa trường học".
Theo The Guardian, Hàn Quốc dự kiến nới lỏng giãn cách xã hội ngay cả ở những khu vực có số ca mắc cao nhất như thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận để tạo điều kiện cho tất cả học sinh trở lại trường vào ngày 6-9, bởi "lợi ích từ việc học trực tiếp cao hơn so với nguy cơ".
Nhiều giáo viên ở Jakarta cũng thở phào khi được trở lại bục giảng. "Hầu hết giáo viên cảm thấy dạy từ xa rất tẻ nhạt" - ông Satriwan Salim Wasakjen, điều phối viên của Hiệp hội Giáo dục quốc gia Indonesia, nói với The Guardian.
Còn tại Ấn Độ, nơi gần 250 triệu học sinh hầu như phải xa trường lớp kể từ khi lệnh phong tỏa đầu tiên được ban hành vào tháng 3-2020, chương trình học trực tuyến được áp dụng. Tuy nhiên, hàng triệu học sinh thuộc diện nghèo khó ở các vùng nông thôn không thể học được do không có điện thoại thông minh hoặc máy tính.
Học sinh tiểu học đeo khẩu trang đến trường ở Sejong - Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Mô tả việc mở cửa trường học là "một chiến thắng", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Macron hồi giữa tuần rồi kêu gọi trẻ em từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc-xin theo sự tổ chức của nhà trường. Đối với trẻ từ 12-16 tuổi, ít nhất cha hoặc mẹ phải tiêm vắc-xin Covid-19.
Với việc 12 triệu học sinh bắt đầu năm học mới hôm 2-9, theo AP, Pháp là một trong số những quốc gia duy trì tỉ lệ học trực tiếp cao nhất thế giới giữa đại dịch Covid-19. Số liệu của Liên Hiệp Quốc nêu rõ từ tháng 3-2020 đến tháng 7-2021, Pháp đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn trường học của mình 12 tuần, thấp hơn so với 38 tuần ở Đức và 58 tuần ở Mỹ.
Bình luận (0)