Hãng Whirlpool (Mỹ) gần đây thông báo khách hàng mua máy giặt, tủ lạnh và các thiết bị gia dụng khác của hãng sẽ phải tiếp tục chịu cảnh giao hàng chậm. Ngay cả công ty xe điện Tesla, dù mới công bố lợi nhuận kỷ lục vào tuần trước, cũng thừa nhận doanh số bán xe sẽ bị ảnh hưởng bởi những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, ít nhất là do tình trạng thiếu chip kéo dài.
Chấp nhận điều bình thường mới
Chuỗi cung ứng tắc nghẽn trở thành câu chuyện quen thuộc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong những tháng đầu của đại dịch, các thị trường lao dốc trong khi nhà sản xuất cắt giảm sản lượng hàng loạt mặt hàng với lập luận rằng những mối lo lắng về sức khỏe, tình trạng phong tỏa... sẽ khiến người tiêu dùng hờ hững với mua sắm. Cũng với suy nghĩ này, các công ty sản xuất chip thu hẹp sản xuất, các hãng tàu quốc tế giảm bớt dịch vụ.
Hóa ra, tính toán đó lại sai lầm. Đại dịch không triệt tiêu chi tiêu mà chỉ chuyển hướng nó. Người dân không đi nhà hàng, công viên giải trí hay xem thể thao nữa, thay vào đó họ đổ tiền nâng cấp tiện nghi để ở nhà thoải mái hơn trong thời gian phong tỏa.
Đơn đặt hàng tăng vọt nhanh chóng làm các cảng biển từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ quá tải, khiến việc giao nhận hàng đình trệ. Ngay cả khi các hãng tàu mở rộng đội tàu cũng không làm hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn.
Lấy ví dụ tại các cảng ở Mỹ, từ TP Los Angeles (bang California) đến TP Savannah (bang Georgia) không đủ công nhân cảng lẫn tài xế xe tải để giải phóng lượng hàng khổng lồ tràn đến. Thế là nhiều tàu không thể cập cảng mà phải "lượn lờ" trên biển nhiều ngày liền, mà theo mô tả của ông Phil Levy - nhà kinh tế trưởng tại công ty vận tải Flexport (Mỹ), là "không khác gì một nhà kho nổi".
Một nhà kho lớn đang được xây dựng ở bang Pennsylvania - Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thật ra các vấn đề của chuỗi cung ứng đã tồn tại từ lâu, đặc biệt là cùng với sự phát triển của thương mại điện tử.
Báo The New York Times nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài hết năm 2022, thậm chí lâu hơn. Về dài hạn, các ngành kinh tế toàn cầu cần đầu tư chi phí khổng lồ để tăng đội tàu, xe tải…, áp dụng công nghệ cũng như đổi mới các mô hình sản xuất để chuỗi cung ứng thông suốt trở lại.
Không để hết trứng vào một giỏ
Ở tầm vĩ mô, theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, đã đến lúc phải nghĩ lại về mô hình sản xuất tức thời (tạm dịch từ just-in-time). Với mô hình được phát triển từ Công ty Toyota (Nhật Bản) trong những năm 1970 này, mọi khâu đều được cắt giảm đến mức vừa đủ, bao gồm hệ thống kho, để tăng lợi nhuận.
Đây là mô hình được áp dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay nhưng những diễn biến thời gian qua đã chứng minh sự sơ hở của nó: Chỉ cần một lỗi nhịp nhỏ là đủ hỗn loạn toàn quy trình. Trong khi đó, hiện có quá nhiều yếu tố gây mất kiểm soát nguồn cung ứng, từ đại dịch Covid-19 đến các thảm họa tự nhiên - vốn xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng theo đà biến đổi khí hậu - như trận lũ lụt bất ngờ ở châu Âu năm ngoái và cả những sự cố hàng hải như vụ tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez (tháng 3-2021)...
Đó là lý do các công ty cần mở rộng kho bãi và tăng nguồn hàng dự trữ. Theo The New York Times, đại gia thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chi hơn 164 triệu USD để xây kho hàng mới vào năm ngoái. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp dễ dàng trong bối cảnh đất chật người đông hiện nay.
Lời khuyên tiếp theo là phải đa dạng nguồn cung, tránh phụ thuộc vào bất cứ nguồn nào duy nhất nào và các công ty cần có tầm nhìn xa hơn về chuỗi cung ứng.
Bài học còn nóng hổi đến từ những tháng đầu bùng phát Covid-19 (đầu năm 2020), hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, nhiều nước phát triển đã chuyển bớt hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Chẳng hạn, Nhật Bản chuyển hướng sang Việt Nam và Thái Lan.
Bài học khác mới hơn đến từ cuộc xung đột đang xảy ra giữa Nga và Ukraine. Giao tranh tại Ukraine, vốn được mệnh danh là "giỏ bánh mì của châu Âu", khiến hàng loạt mặt hàng từ bột mì, lúa mạch, dầu hướng dương đến sắt, thép, nhôm... đều nghẽn lại, đẩy giá cả vọt lên cao.
Với việc Ukraine và Nga chiếm đến khoảng 65% lượng dầu hướng dương xuất khẩu, ông John Piatek - phó chủ tịch của GEP, nhà cung cấp phần mềm về chuỗi cung ứng cho nhiều công ty lớn - cho kênh CNBC hay: "Có nhiều báo cáo về các vụ làm loạn và cướp bóc ở các nước nhập khẩu dầu hướng dương lớn, như Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi giá cả đã tăng gấp đôi". Chưa hết, nhiều công ty phải vội vã tìm nguồn đồng ở Chile và Úc để thay thế nguồn đồng từ Nga.
Công nghệ tự động và AI
Ông John Piatek chỉ ra hầu hết công ty lớn chưa đầu tư vào các giải pháp số như AI (trí tuệ nhân tạo) và công nghệ tự động để hỗ trợ xử lý vấn đề nguồn cung. "Vẫn còn quá nhiều hoạt động của chuỗi cung ứng được thao tác thủ công, lỗi thời và dễ mắc lỗi. Hiện có rất nhiều giải pháp hiệu quả hơn để điều hành và công nghệ tự động sẽ giúp bạn điều đó" - ông Piatek nhấn mạnh.
Các giải pháp số còn có thể giúp các công ty dự báo và phân tích các yếu tố nguy cơ tốt hơn, bao gồm các nguy cơ đến từ khủng hoảng địa chính trị vốn gây ảnh hưởng cực kỳ lớn.
Bình luận (0)