Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư tay chúc mừng Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và người dân Thái Lan ngay sau khi đội bóng được tìm thấy hôm 2-7. Đến chiều tối 10-7, được tin cả đội bóng được giải cứu an toàn, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện chúc mừng đến Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai.
Người dân Thái Lan hòa chung không khí vui mừng sau khi toàn bộ 12 thành viên và huấn luyện viên đội bóng "Lợn hoang" lần lượt được cứu sau 18 ngày mắc kẹt tại hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai.
Hành trình gian nan
Những người cuối cùng rời hang Tham Luang là 3 thành viên Lực lượng SEAL thuộc Hải quân Thái Lan và bác sĩ người Úc Richard Harris - những người đã ở trong hang động chăm sóc đội bóng kể từ khi nhóm này được tìm thấy.
Theo đài CNN, vòng giải cứu cuối cùng huy động 19 thợ lặn và bắt đầu lúc 10 giờ 8 phút (giờ địa phương) hôm 10-7. Sau 9 giờ, 4 thành viên cuối cùng của đội "Lợn hoang" cùng huấn luyện viên rời hang thành công. Trước đó, 8 thành viên của đội bóng được đưa ra khỏi hang trong ngày 8 và 9-7.
Tất cả đã được đưa đến bệnh viện tỉnh Chiang Rai để điều trị. Toàn đội có khả năng ở lại bệnh viện trong 7 ngày tới để theo dõi sức khỏe vì hệ miễn dịch còn yếu và chờ kết quả xét nghiệm nhằm bảo đảm các em không mắc bệnh truyền nhiễm nào.
Danh tính 12 thành viên cùng huấn luyện viên đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt ở hang Tham Luang. Ảnh: Channel NewsAsia
Hôm 23-6, 12 cậu bé tuổi từ 11-16 của đội bóng "Lợn hoang" cùng huấn luyện viên 25 tuổi tiến vào hang Tham Luang và không thể trở ra do mưa lớn làm ngập lối vào hang duy nhất. Ngay sau khi nhận tin đội bóng mất tích, chính quyền Thái Lan huy động lực lượng cứu hộ khổng lồ, với hơn 1.000 nhân viên cứu hộ trong nước cùng nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Anh, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Nhật, Lào, Myanmar, Trung Quốc… Đến giai đoạn cuối, lực lượng cứu hộ lên tới 2.000 người.
Tổn thất về người
Sau hơn 9 ngày tìm kiếm, 2 chuyên gia giải cứu hang động người Anh John Volanthen và Rick Stanton phát hiện các cậu bé gầy gò trên một mô đất cao sâu trong hang. Bên cạnh việc huy động hàng ngàn máy bơm hút nước ngày đêm, lực lượng cứu hộ cân nhắc nhiều phương án giải cứu khác nhau, trong đó có giải pháp lặn ra cùng thợ lặn, tìm đúng vị trí phía trên các cậu bé để khoan từ sườn núi xuống và ngồi chờ nước rút để đi bộ ra.
Trước diễn biến dự báo thời tiết bất lợi, chiến dịch cứu đội bóng ra khỏi hang chính thức bắt đầu hôm 8-7 và lặn là giải pháp được chọn.
Hành trình các cậu bé được giải cứu khỏi hang Tham Luang Đồ họa: Daily mail
Theo báo The New York Times (Mỹ), góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch là sự nỗ lực và tham gia tích cực của hàng trăm tình nguyện viên và đội ngũ thợ lặn đến từ nhiều quốc gia. Họ không ngại nguy hiểm, thậm chí là bất chấp tính mạng. Đau lòng nhất là cái chết thương tâm của cựu đặc nhiệm SEAL Thái Lan Saman Kunan trong lúc tham gia chiến dịch cứu hộ vì hết ôxy hôm 6-7.
Cùng với nỗ lực của đội cứu hộ, tinh thần của các em đã giúp kế hoạch giải cứu thành công ngoài mong đợi. Ông Ivan Karadzic, thợ lặn người Đan Mạch và là một thành viên của đội cứu hộ, mô tả ý chí mạnh mẽ của những thành viên đội bóng thiếu niên khi lặn trong hang. Ông Karadzic nói với đài NBC (Mỹ) rằng bất cứ ai chưa từng lặn trong hang động sẽ thấy đây là một trải nghiệm cực kỳ đáng sợ.
Trong khi đó, hay tin cả đội bóng ra ngoài an toàn, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng sự thành công của hoạt động cứu hộ lịch sử ở Thái Lan như Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel…
Người dân Thái Lan chờ xem đoàn xe cứu thương chở các cậu bé về bệnh viện tỉnh Chiang Rai tối 10-7. Ảnh: Reuters
Dùng dù che kín các cậu bé khi trực thăng hạ xuống một sân bay quân sự ở Chiang Rai. Ảnh: Reuters
Các tình nguyện viên vui mừng. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)