icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải mã con bọ hung bằng ngọc

TRỌNG NGHĨA <EM>tổng hợp</EM>

Từ 84 năm nay, nguồn gốc một viên ngọc màu xanh pha vàng hình con bọ hung trên chuỗi ngọc đeo cổ của Pharaoh (vua Ai Cập thời cổ đại) Tutankhamun thuộc triều đại thứ 18 là một bí ẩn làm điên đầu các nhà khoa học phương Tây. Mới đây, một số nhà khoa học tin rằng nó do một vật thể ngoài hành tinh tạo ra

Mộ táng của ông vua trẻ Tutankhamun được nhà khảo cổ học Anh Howard Carter phát hiện năm 1992 trong Thung lũng các nhà vua ở Luxor.

Đây là một trong số ít mộ Pharaoh còn nguyên vẹn khi khai quật. Cùng với xác ướp là những vật trang sức phong phú, quý giá. Trong số này có một viên ngọc màu xanh pha vàng hình con bọ hung dài 2,5 cm trên chuỗi ngọc đeo cổ, từng làm nhà khoáng vật học Ý Vincenzo de Michel chú ý khi tham quan Bảo tàng Ai Cập ở Cairo năm 1996 vì trông nó rất không bình thường.

Thủy tinh sa mạc

Trong cuốn nhật ký của mình, Carter mô tả viên đá quý màu xanh pha vàng óng ánh trên là đá chalcedony. Nhưng, vào năm 1999, các nhà địa chất xác định không phải là đá chalcedony mà là thủy tinh tự nhiên chỉ có thể tìm thấy ở Biển cát lớn, một sa mạc nằm cách thủ đô Cairo 800 km về phía Tây Nam.

Cùng với nhà địa chất học Ai Cập Aly Barakat, Vincenzo de Michel gần đây, sau khi đem viên ngọc đi thử một lần nữa, cũng xác định bản chất của nó là thủy tinh. Nhưng, điều làm cho hai nhà khoa học này kinh ngạc là chất liệu này cổ xưa hơn nền văn minh Ai Cập thời cổ đại rất nhiều. Nó nằm rải rác trong cát ở một vùng sâu của sa mạc Sahara lớn nhất thế giới. Phát hiện này đã được trình bày trong chương trình Chân trời của đài BBC phát sóng ngày 17-7 vừa qua.

Bí ẩn của con bọ hung bằng ngọc thủy tinh nói trên làm các nhà khoa học Anh - Mỹ tranh cãi nhau trong suốt 84 năm qua nằm trong câu hỏi: Cái gì đã tạo ra chất liệu thủy tinh có một không hai đó?

Cũng chương trình Chân trời nói trên giới thiệu thêm một giả thuyết mới, liên quan đến nguồn gốc viên ngọc của nhà hóa học vũ trụ Christian Koeberl. Nhà khoa học người Áo này cho rằng chỉ có một cách lý giải nguồn gốc viên ngọc thủy tinh: nó hình thành từ một vụ va chạm mặt đất của một thiên thạch lớn. Tuy nhiên, không hề có vết tích một miệng hố nào trên vùng Biển cát lớn hay một nơi nào gần đó.

John Wasson, một nhà địa vật lý Mỹ, cũng đồng ý rằng nó sinh ra từ một vụ nổ thiên thạch nhưng không phải ở Biển cát lớn mà ở rừng Siberia, Nga. Wasson nói với người hướng dẫn chương trình Chân trời: “Khi nghĩ đến điều kiện cần có để sinh ra loại thủy tinh đó là một bầu trời rực lửa thì tôi nghĩ ngay đến vụ nổ ở Tunguska, Siberia”. Năm 1908, một vụ nổ khủng khiếp đã thiêu rụi 80 triệu cây tại đây. Chỉ có một vụ va chạm giữa trái đất và một khối thiên thạch lớn mới tạo ra một vụ nổ kinh hoàng như vậy. Nhưng các nhà khoa học đã không tìm ra một miệng hố lớn nào trên mặt đất để chứng minh giả thuyết này. Ngày nay, các nhà khoa học nghĩ rằng có lẽ khối thiên thạch đã nổ tung trên bầu trời Tunguska và gây ra hậu quả vừa kể. Wasson cũng thiên về giả thuyết một vụ nổ khủng khiếp trên không của thiên thạch tạo ra một sức nóng đủ biến những hạt cát sa mạc thành thủy tinh.

Những quả cầu lửa khổng lồ

Không phải vô cớ mà Wasson đi đến một kết luận như trên. Ở Đông Nam Á, Wasson từng phát hiện vết tích của một vụ nổ tương tự xảy ra cách đây 800.000 năm. Vụ nổ này mạnh hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn vụ nổ ở sa mạc Ai Cập. Nó tạo ra những quả cầu lửa khổng lồ nấu chảy cát thành thủy tinh trên một diện tích rộng 300.000 m2 nhưng không để lại miệng hố lớn nào.

Mark Boslough là một chuyên gia về những vụ va chạm vật lý làm việc ở phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, bang New Mexico, Mỹ. Ông đã dùng máy tính siêu tốc tạo ra mô hình những vụ nổ thiên thạch ở gần mặt đất. Theo ông, một thiên thạch có đường kính 120 mét rớt xuống đất với tốc độ 20 km/giây có thể phát tán một nguồn nhiệt làm chảy cát biến thành thủy tinh mà không tạo ra miệng hố nào. Nhiệt độ này lên đến 1.800 độ C.

Boslough giải thích: “Nó sẽ tạo ra một cái hồ cát lỏng sôi ùng ục. Khi nguội lại, hồ cát biến thành một khối thủy tinh, người Ai Cập thời cổ đại đã dùng nó chế tác vật trang sức cho các Pharaoh, nhất là Tutankhamun”. Boslough phát biểu trên đài BBC: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là nó tạo ra một năng lượng lớn tương đương hàng chục ngàn quả bom nguyên tử”.

Theo hai nhà khoa học Mỹ Boslough và Wasson, cứ 100 năm thì một vụ nổ như ở Tunguska có thể xảy ra một lần. Cho dù nhỏ cách mấy, nó cũng bằng nhiều quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Và đó là một mối đe dọa không nhỏ cho nhân loại. “Xưa nay chúng ta thường chỉ theo dõi những thiên thạch lớn để tìm cách đối phó, nếu nó có thể va chạm trái đất trong khi xác suất những thiên thạch nhỏ va chạm trái đất cao hơn gấp trăm lần. Vấn đề là chừng nào mà thôi”-Boslough kết luận.

Theo nhật báo Anh The Times số chủ nhật, như vậy là các nhà khoa học tin rằng đã giải mã được nguồn gốc bí ẩn của viên ngọc màu xanh pha vàng to nhất, đẹp nhất trên chuỗi ngọc đeo cổ của Tutankhamun.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo