Kể từ khi Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 14-3, hằng đêm ở Tây Ban Nha các công dân đều dành ra một khoảnh khắc để tán dương những nhân viên y tế đang nỗ lực chống dịch của đất nước.
Tỉ lệ nhân viên y tế mắc bệnh cao hơn Ý
Nhưng hình ảnh đầy hy vọng này cũng không làm dịu tác động khủng khiếp của đại dịch được bao nhiêu. Số ca tử vong hằng ngày vì Covid-19 đã đạt kỷ lục mới, với 832 người chỉ trong 1 ngày vào hôm 28-3, nâng tổng số người tử vong lên 5.690 người.
Số ca nhiễm mới tuy có giảm, từ con số kỷ lục 8.578 ca/ngày hôm 26-3 xuống còn 7.871 ca/ngày vào ngày 27-3 nhưng cả 2 con số này đều tồi tệ hơn nhiều so với 1 tuần trước, khi mà số ca nhiễm mới chỉ tầm 2.833 ca/ngày.
Một thông số đáng lo ngại nữa là tỷ lệ nhân viên y tế mắc bệnh ở Tây Ban Nha lên đến 16,5% trong khi ở Ý tỷ lệ này chỉ là 8%.
Điều gì đã dẫn đến sự lây lan virus SARS-CoV-2 nhanh đến vậy tại Tây Ban Nha?
Một nhân viên y tế ở Tây Ban Nha mặc trang phục bảo hộ chuẩn bị đón bệnh nhân Covid-19 vào một bệnh viện quân đội Ảnh: Reuters
Nhiều yếu tố ảnh hưởng
Lý do chủ yếu nhất được giới truyền thông Tây Ban Nha nêu ra là hệ thống dịch vụ y tế công cộng không đồng đều và cạn kiệt nguồn lực để đối phó không chỉ đại dịch Covid-19 mà bất kỳ loại đại dịch nào khác.
Các học viện ở Tây Ban Nha cũng xác nhận đây là một trong những lý do nhưng bên cạnh đó họ còn nhấn mạnh nhiều yếu tố khác.
"Thứ tư tuần qua, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh ở châu Âu đã chỉ ra rằng tác động của dịch Covid-19 lên một quốc gia sẽ phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị và khả năng ứng phó nhanh chóng của quốc gia đó" – Giáo sư Silvia Carlos Chilleron của Khoa Sức khoẻ cộng đồng và Thuốc phòng ngừa thuộc Đại học Navarra, cho biết.
Vị giáo sư trên phân tích thêm: "Nếu số ca tăng nhanh như ở Tây Ban Nha mà nguồn lực và trang thiết bị để ứng phó không được đảm bảo thì tác động sẽ nghiêm trọng hơn. Điều này có lẽ đã gây ra số ca tử vong cao ở những nhóm ngành, bộ phận dễ bị tổn thương của xã hội, đặc biệt là khi các chuyên gia y tế cũng nằm trong số những người bị lây nhiễm"
Cũng trong ngày thứ tư 25-3, Liên đoàn Y tế Nhà nước Tây Ban Nha (CESM) đã đệ đơn kiện lên Toà án tối cao yêu cầu Bộ Y tế cung cấp những trang thiết bị bảo hộ cần thiết cho họ càng sớm càng tốt. Trong đơn, CESM tố cáo rằng Bộ đã không cung cấp đầy đủ trang bị bảo hộ cần thiết để bảo vệ các nhân viên y tế, giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.
Một bác sĩ tại một bệnh viên miền Nam Tây Ban Nha chia sẻ: "Mọi người tôn trọng lệnh phong toả và cố gắng không đi bệnh viện khi chỉ bị bệnh nhẹ. Điều đó cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Nhưng vẫn còn tình trạng thiếu trang thiết bị trong bệnh viện để ứng phó với loại khủng hoảng như hiện nay, khiến cho khả năng nhiễm bệnh của y bác sĩ cũng tăng lên" .
Một yếu tố không nhỏ khiến virus lan rộng từ trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp có thể là "mức độ nhận thức thấp trong cộng đồng về nguy cơ tiềm ẩn của virus SARS-CoV-2". Ông Jose Hernandez, một nhà nghiên cứu và trợ lý giáo sư ở Khoa Chính sách y tế xã hội thuộc Đại học Cordoba, khẳng định: "Mãi cho đến gần đây thì mọi người mới nắm rõ thông tin virus gây ra Covid-19 là gì".
Ngoài ra thì theo quan sát của Giáo sư Alberto Mataran – Khoa Khoa học Môi trường ở Đại học Granada - sự phân bố dân cư cũng có tác động. "Mật độ dân số ở các thành phố như Madrid hay các thành phố bờ biển Địa Trung Hải rất dày đặc, vượt trội hẳn so với các khu ngoại ô. Bên cạnh việc chia sẻ nhiều không gian chung, những hành vi xã hội thân mật hơn hẳn so với văn hoá các nước khác cũng là những nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm. Chúng tôi luôn bắt tay hoặc ôm, hôn nhau khi gặp nhau chẳng hạn" – giáo sư Mataran nói.
Còn về sự khan hiếm các nguồn cung thiết bị y tế, Giáo sư Jose Hernandez của Đại học Cordoba cho rằng hiện tượng này giải thích "sự bão hoà nhanh chóng" của dịch vụ y tế Tây Ban Nha.
"Thêm vào đó, Tây Ban Nha có tỉ lệ người cao tuổi rất cao. Người cao tuổi dễ đau ốm trong khi các viện dưỡng lão lại không có nhiều trang thiết bị y tế. Chưa kể là việc các viện dưỡng lão được điều hành bởi các khu tự trị khác nhau cũng tiềm ẩn nhiều bất bình đẳng"- ông Hernandez giải thích thêm.
Theo ông Hernandez, chính quyền các khu tự trị có thể yêu cầu Madrid hỗ trợ nhưng điều này lại làm tăng nguy cơ đánh giá sai tình hình và đưa ra quyết định chiến thuật thiếu hợp lý từ chính phủ trung ương.
Năm 2014, các nhân viên y tế ở Madrid từng biểu tình lên án việc thiếu hụt thiết bị hỗ trợ y tế hiệu quả và đảm bảo an toàn cho họ giữa dịch bệnh Ebola.
"Chúng tôi có thể thấy rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng có những lỗ hổng lớn trong việc phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm và đây đều là những điểm yếu mang tính hệ thống"- ông Hernadez kết luận.
Chật vật tìm phương pháp xét nghiệm nhanh
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã phải bảo vệ quyết định cho phép diễn ra những cuộc tuần hành tại nước này trong ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, điều mà Giáo sư Silvia Carlos Chilleron cho là một yếu tố làm lây lan virus.
"Càng tiếp xúc nhiều thì nguy cơ lây nhiễm càng lớn, nhất là khi đây là dạng lây nhiễm mới mà chúng ta chưa thể miễn dịch được" – bà nói.
Nữ giáo sư cũng chỉ ra rằng thời tiết mùa xuân ôn hoà bất thường và mức độ xã hội hoá cao hơn – ví dụ như mọi người hay ngồi với nhau trong những quán bar – cũng có thể là những nhân tố tác động. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng các nghiên cứu vẫn chưa cho kết quả chắc chắn được là liệu nhiệt độ cao hay độ ẩm tăng có tác dụng gì trong việc kiềm hãm virus hay không.
Trong vài ngày qua, Chính phủ Tây Ban Nha tập trung thảo luận về việc tìm ra một phương pháp xét nghiệm nhanh để có thể kiểm chứng xác thực về mức độ lây lan thực sư của virus SARS-CoV-2.
Việc Chính phủ mua cả triệu bộ kit xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc và nhiều nơi khác đã phản tác dụng khi họ phát hiện ra rằng lộ 9.000 bộ kit đầu tiên nhập về có độ tin cậy rất hạn chế. Mặc dù chính phủ Tây Ban Nha khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết bằng việc mua thêm các bộ kit khác đáng tin cậy hơn, nhưng hầu hết chúng vẫn chưa đến.
Carlos Chilleron cho biết xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) mất 4-6 giờ để cho ra kết quả và đang được xét nghiệm trên 20.000 người/ngày ở Tây Ban Nha mới là phương pháp đáng tin cậy nhất.
Theo trang web của Live Science, các xét nghiệm PCR hoạt động bằng cách "phát hiện vật chất di truyền cụ thể trong virus. Tùy thuộc vào loại PCR trên tay, nhân viên y tế có thể lấy mẫu thử từ cổ họng, nước bọt, hoặc chất lỏng từ đường hô hấp, hoặc một mẫu phân".
Carlos Chilleron cho biết các xét nghiệm nhanh tuy tốn ít thời gian nhưng lại thiếu chính xác hơn. Bà đề xuất rằng việc hạn chế tiếp xúc gần và giữ vệ sinh mới là cách phòng bệnh tốt nhất trong hoàn cảnh đang thiếu các bộ kit xét nghiệm nhanh.
Ở Tây Ban Nha, khi mà số người tử vong ngày một tăng thì đang có những tin đồn rằng lệnh phong toả sắp tới sẽ được siết chặt hơn nữa nếu dịch không đạt đỉnh sớm và số ca nhiễm không giảm, bởi khi dịch chưa đạt đỉnh thì sẽ rất khó phán đoán được những biện pháp nào là cần thiết.
Bình luận (0)