Được tiến hành lần đầu tiên từ khi các đợt thương thảo thành lập chính phủ thất bại và cuộc bầu cử mới được ấn định vào ngày 17-6, cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Dân chủ Mới bảo thủ giành sự ủng hộ cao nhất, nhiều hơn vài điểm so với Đảng Syriza cực tả có lập trường quay lưng với gói cứu trợ lớn dành cho Hy Lạp. Các nhà thăm dò dự báo Đảng Dân chủ Mới sẽ giành 26,1% số phiếu so với 23,7% của Syriza.
Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) cho rằng nếu không có sự cứu trợ tài chính, Hy Lạp sẽ chắc chắn vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng tiền chung (eurozone), gieo rắc mầm mống đổ vỡ tài chính khắp châu lục. Vì lẽ đó, viễn cảnh Syriza sẽ thắng cuộc bầu cử mang đến cảm giác hụt hẫng cho eurozone và thị trường khắp châu Âu trong những ngày qua.
Quan trọng hơn, cuộc thăm dò chỉ ra rằng cùng với đảng Xã hội Pasok, Dân chủ Mới sẽ có đủ số ghế để thành lập một chính phủ ủng hộ cứu trợ tài chính mà họ đã không thể làm được trong cuộc bầu cử ngày 6-5 vừa qua, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị, đào sâu thêm cái hố khó khăn kinh tế và đặt tương lai eurozone trong sự ngờ vực.
Nhưng vẫn còn một tháng nữa mới đến ngày bầu cử và cử tri Hy Lạp lại hay thay đổi. Các chuyên gia cảnh báo không nên sớm rút ra bất kỳ kết luận nào từ một cuộc thăm dò riêng lẻ. Quả thật, các cuộc thăm dò hồi tuần trước cho kết quả Đảng Syriza đứng đầu về mức tín nhiệm, với đông đảo cử tri chống cứu trợ tập hợp sau nhà lãnh đạo uy tín Alexis Tsipras chỉ mới 37 tuổi. Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, chiều hướng vượt trội của Syriza có vẻ như đã thay đổi.
Nhà phân tích chính trị John Loulis nói về kết quả thăm dò gây ngạc nhiên: “Dường như người dân đã ném sự giận dữ vào cuộc bầu cử (ngày 6-5) và rồi họ hoảng sợ. Họ không muốn tình trạng vắng bóng chính phủ và trở nên lo lắng về khả năng ra khỏi eurozone”. John Loulis cũng nhận định rằng các cử tri không mặn mà với Đảng Dân chủ Mới và mọi thứ vẫn có thể thay đổi đột ngột, kết quả các cuộc bầu cử sẽ tùy thuộc vào người mắc ít sai lầm nhất.
Trước cuộc thăm dò hôm 17-5, ông Tsipras dự đoán đảng của ông sẽ giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng tới, đồng thời tiếp tục đòi chấm dứt các chính sách khắc khổ mà ông cho là “dã man” và đang hủy hoại đất nước. “Họ đang tìm cách khủng bố nhân dân nhằm khuất phục Đảng Syriza. Họ lờ đi những mối đe dọa” - ông nói.
Một chính phủ khẩn cấp, được lãnh đạo bởi một thẩm phán và quy tụ chủ yếu các giáo sư, các nhà kỹ trị cùng một vài chính khách, đã tuyên thệ hôm 17-5. Tại cuộc họp nội các đầu tiên với tư cách là thủ tướng tạm quyền, ông Panagiotis Pikrammenos nói với các bộ trưởng rằng họ sẽ không nhận lương và đề nghị họ không dùng đến những phương tiện xa xỉ, gây lãng phí. Cảm giác khắc khổ bắt đầu được nếm trải!
Người tiền nhiệm của ông Pikrammenos là Lucas Papademos khẩn khoản đề nghị người dân Hy Lạp sáng suốt lựa chọn trong cuộc bầu cử sắp tới vì đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm. Đúng là cử tri Hy Lạp ở vào thế khó, bởi họ cần phải chọn “người mắc ít sai lầm nhất” như nhà phân tích John Loulis nhận định.
Bình luận (0)