Hôm 9-11, ông Biden thông báo đội chuyên trách Covid-19 sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết về việc kiểm soát đại dịch. Ông cũng sẽ triển khai các đội đánh giá, nhóm chuyển giao quyền lực tiếp cận các cơ quan chủ chốt trong chính quyền hiện tại để thu thập và xem xét một loạt thông tin như quyết định ngân sách và nhân sự, các quy định đang chờ xử lý và các công việc khác đang được nhân viên của chính quyền ông Trump thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình này không thể bắt đầu đầy đủ cho đến khi Cơ quan Dịch vụ công Mỹ (GSA) "bật đèn xanh" cho tiến trình chuyển giao quyền lực bắt đầu.
Theo hãng tin Reuters, phía ông Biden đã thúc giục bà Emily Murphy, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm đứng đầu GSA từ năm 2017, ký thư chuyển giao quyền lực chính thức, với lời cảnh báo rằng an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ phụ thuộc vào quá trình chuyển giao suôn sẻ và hòa bình.
Tuy nhiên, GSA vẫn cho rằng chưa có "người chiến thắng rõ ràng" trong cuộc bầu cử. Động thái của GSA ngăn ê-kíp của ông Biden tiếp cận hàng triệu USD quỹ liên bang cũng như khả năng gặp gỡ các quan chức tại cơ quan tình báo và cơ quan khác.
Người ủng hộ ông Joe Biden mừng chiến thắng trên đường phố ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania - Mỹ hôm 8-11 Ảnh: REUTERS
Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa có dấu hiệu nhận thua và nhiều đồng minh Đảng Cộng hòa của ông tại quốc hội cũng không công nhận ông Biden chiến thắng. Phát ngôn viên ê-kíp của ông Trump, ông Tim Murtaugh, hôm 8-11 xác nhận ông Trump sẽ tổ chức một loạt cuộc vận động nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho các cuộc chiến pháp lý.
Thêm vào đó, ông Trump cũng thành lập các nhóm chuyên trách thúc đẩy việc kiểm phiếu lại ở các bang Georgia, Wisconsin, Pennsylvania và Arizona, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cáo buộc gian lận bỏ phiếu bằng cách "công bố cáo phó của những người đã qua đời nhưng vẫn bỏ phiếu".
Chiến dịch của ông Trump cho biết đã chỉ định nghị sĩ Doug Collins là người giám sát quá trình kiểm phiếu lại ở bang Georgia, nơi ông Biden đang dẫn trước hơn 10.300 phiếu bầu trong tổng số gần 5 triệu phiếu.
Theo trang Axios, đội ngũ pháp lý chính thức của ông Trump gồm giám đốc ê-kíp tranh cử năm 2020 Bill Stepien, luật sư Justin Clark và các cố vấn cấp cao Jason Miller và David Bossie. Nhóm pháp lý của ông Trump cũng tái triển khai 92 nhân viên từ bang Florida đến bang Georgia, đồng thời tập hợp thêm các luật sư và đại diện bổ sung.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng bước đi này của ê-kíp ông Trump khó thay đổi kết quả bầu cử vì các cáo buộc mà phía ông Trump đưa ra có phạm vi hẹp.
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump biểu tình tại TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ hôm 8-11 Ảnh: REUTERS
Ông William Antholis, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện đứng đầu Trung tâm Miller của Trường ĐH Virginia, chỉ ra cuộc bầu cử Mỹ năm nay không đến mức sít sao như 2 cuộc bầu cử năm 1876 và 2000.
Theo ông Antholis, ông Trump có rất ít cơ hội giành được hàng chục ngàn phiếu bầu thông qua việc kiểm phiếu lại. Các chuyên gia pháp lý được Reuters hỏi ý kiến cũng cho rằng những cáo buộc gian lận mà phía ông Trump đưa ra không có khả năng thay đổi kết quả bầu cử.
Hiện ông Biden dẫn trước ông Trump hơn 4,1 triệu phiếu phổ thông trên toàn quốc và giới quan sát tin là vị cựu phó tổng thống 77 tuổi này có thể giành được hơn 300 phiếu đại cử tri, cao hơn nhiều so với 270 phiếu cần thiết để đắc cử.
Trong khi đó, quan chức bầu cử tại các bang cho rằng không có bất thường đáng kể nào trong cuộc bỏ phiếu và ê-kíp ông Trump đến nay vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào cho các cáo buộc của mình.
Bình luận (0)