Đêm 19-5, ông Dominique Strauss-Kahn (DSK), 62 tuổi, vẫn phải làm “khách đặc biệt” của nhà tù khét tiếng Rikers Island. Trước đó vài giờ, quyết định thả ông DSK được tuyên trong phiên tòa xem xét đề nghị tạm tha có điều kiện bị can của nhóm luật sư bào chữa ông DSK. Đồng thời ông DSK cũng được chính thức thông báo rằng phiên tòa xét xử ông sẽ bắt đầu từ ngày 6-6 sau khi đại bồi thẩm đoàn (23 người) kết luận rằng những lời khai của bà hầu phòng người Guinea là có cơ sở để kết tội bị can.
Sáng hôm qua, 20-5, ông DSK mới được trả tự do sau khi hoàn tất thủ tục đóng 1 triệu USD để được tại ngoại hầu tra và đóng thêm 5 triệu USD tiền ký quỹ. Ông bị quản thúc tại một ngôi nhà bí mật ở khu Manhattan do con gái ông mướn trong thời gian bị xét xử. Ông bị một đội nhân viên an ninh có vũ trang Mỹ canh gác 24/24 giờ, dù ở cùm chân đã có đeo một thiết bị giám sát điện tử. Biện pháp này nhằm bảo đảm rằng ông DSK không thể vào tòa đại sứ Pháp ở Washington “tị nạn”.
Người quyến rũ vĩ đại
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ án DSK ở Mỹ, ngày 19-5, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) công bố nội quy mới về ứng xử, theo đó, bất cứ ai ở bất cứ cấp nào có hành vi quấy rối tình dục sẽ bị buộc thôi việc. Theo tuần báo Pháp L’Express, bản nội quy mới là phần tiếp theo của một vụ xì-căng-đan tình ái cũ của ông DSK hồi năm 2008 liên quan đến nữ kinh tế gia người Hungary Piroska Nagy.

Ảnh ông DSK trong hồ sơ cảnh sát New York. Ảnh: NYPD
Điều đáng ngạc nhiên là ban lãnh đạo IMF đã thông qua bản nội quy mới nói trên gần nửa tháng nay (ngày 6-5) nhưng mãi đến bây giờ mới công bố, nghĩa là sau vụ tai tiếng tổng giám đốc DSK bị tố cáo tấn công tình dục một người hầu phòng ở khách sạn Sofitel New York trưa 14-5.
Việc sửa sai của IMF rõ ràng là quá chậm vì vào thời điểm ông DSK dan díu với bà Piroska Nagy, quan điểm của IMF là ông DSK chỉ phạm “lỗi nhận định” và bác bỏ mọi cáo buộc quấy rối tình dục, thiên vị và lạm quyền. Trong khi đó, trong một lá thư gửi đến công ty luật được IMF mướn để điều tra xem ông DSK có lạm quyền hay không, bà Nagy từng khẳng định rằng ông DSK đã dùng quyền lực tổng giám đốc để “gạ tình” khiến bà khó xử bởi “chịu thì bị thiệt thòi mà không chịu cũng bị thiệt thòi”.
Cuối cùng, bà Nagy kết luận: “Một người đàn ông có vấn đề như ông ấy không xứng đáng lãnh đạo một định chế tài chính (như IMF) khi mà dưới quyền ông ta có nhiều phụ nữ”. Dưới sức ép của cấp trên, bà Nagy buộc phải “làm bạn tình” và ly dị chồng, nguyên là thống đốc ngân hàng trung ương Argentina. Chi tiết này gần đây mới được tiết lộ trên một số tờ báo lớn, trong đó có tờ The New York Times.
Bà Nagy lúc đó 50 tuổi công tác ở IMF từ năm 1986 tức trước khi ông DSK lên chức tổng giám đốc mùa thu năm 2007 khá lâu. Ông DSK tấn công bà Nagy từ cuối năm 2007 và “khuất phục” được bà vào đầu năm 2008. Sau khi mối quan hệ bất chính bị vỡ lở, nhân dịp IMF tinh giảm bộ máy, ông DSK điều động tình nhân sang bộ phận khác “ngon ăn” ở London và đền bù một khoản tiền hậu hỉ khiến ông tổng giám đốc bị điều tra về tội quấy rối tình dục, thiên vị và lạm quyền. Tuy nhiên, cuối cùng ông DSK chỉ bị hội đồng quản trị phê bình nội bộ sau khi ông công khai xin lỗi vợ và đồng nghiệp. Sau vụ này, tuần báo Pháp Le Journal du Dimanche gọi ông là “người quyến rũ vĩ đại”.
Luật im lặng
Trong tuần qua, báo chí Pháp lại có dịp ồn ào chung quanh một vụ tấn công tình dục khác của ông DSK hồi năm 2002 đối với nữ văn sĩ và nhà báo Tristane Banon, năm nay 31 tuổi. Ngày 16-5 vừa qua, bà Banon tuyên bố sẽ mướn luật sư khởi kiện ông DSK sau 9 năm chịu đựng một điều luật bất thành văn gọi là “luật im lặng” trong làng báo Pháp. Theo đó, tình ái lăng nhăng là “chuyện đời tư” của chính khách “không có gì mà ầm ĩ”.

Bà Piroska Nagy. Ảnh: BLOOMBERG
Theo lời bà Banon, năm 2002, bà chuẩn bị tư liệu để viết một cuốn sách trong đó có đề cập đại biểu quốc hội DSK. Bà được ông này hẹn gặp phỏng vấn tại một căn hộ trống chỉ có một cái giường, một chiếc tivi và một máy thu băng. Tại đây, bà bị ông DSK cưỡng hiếp nhưng không thành.
Tháng 2- 2007, bà Banon có kể lại câu chuyện nói trên trong một chương trình truyền hình được phát sóng hai lần (ngày 5 và 20-2) tại một cuộc tọa đàm với nhiều nhân vật có tiếng, trong đó có diễn viên điện ảnh Roger Hanin. Trong băng, tên ông DSK bị nhà đài xóa bằng một tiếng “bip”. Bà Banon ngạc nhiên: “Tôi không biết tại sao. Tôi đâu có yêu cầu xóa”.
Lúc đó, trong làng báo ai cũng biết người bí ẩn đằng sau tiếng “bip” đó là ai nhưng tất cả đều im lặng. Ngay cả mẹ của bà Banon cũng khuyên con đừng kiện cáo vì “tôi sợ tương lai sự nghiệp của con. Lúc đó nói ra ai tin?”. Thật vậy, ông DSK là một chính khách có thế lực rất mạnh.
Về đạo đức của ông DSK, bà Aurelie Fillipetti, nghị sĩ quốc hội kiêm nhà văn Pháp, người từng bị ông DSK tấn công năm 2008, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi sẽ không bao giờ gặp ông ấy một mình trong một nơi khuất”.
Kỳ tới: Báo chí Anh, Mỹ có “fair play”?
Bình luận (0)