Báo cáo mang tên “Tuyên bố tạm thời và Thông tin thực tế + MH370” cho thấy phản ứng giữa các nhân viên trạm kiểm soát không lưu ở Kuala Lumpur và TP HCM khi bất ngờ phát hiện chuyến bay số hiệu MH370 – chở 239 người trên khoang – biến mất khỏi màn hình radar.
Ban đầu, họ tỏ ra không có gì cấp bách nhưng sau đó, tất cả đều cảm thấy hoảng loạn.
Trong cuộc điện thoại, nhân viên không lưu ở TP HCM nhận ra có điều bất thường với MH370 nên thông báo với đối tác ở Kuala Lumpur. Đồng thời, nhân viên này hỏi trạm Kuala Lumpur có nhận được thông tin nào từ hãng hàng không Malaysian Airlines về chuyến bay mất tích hay không, người kia trả lời: “Không có”.
Nhân viên không lưu TP HCM tiếp tục yêu cầu trạm Kuala Lumpur xác định vị trí cuối cùng họ đã liên lạc với máy bay và nhận được câu trả lời: “Vị trí cuối cùng chúng tôi liên lạc là IGARI (phía trên biển Đông)”.
Đến lúc này, hai nhân viên kể trên thực sự bị sốc vì nhận ra chiếc máy bay đã mất tích. Nhân viên ở TPHCM hoảng hốt: “Chúng tôi không liên lạc được với máy bay. Chỉ nhìn thấy trên radar chuyến bay 350”.
Nhân viên ở Kuala Lumpur lập cập hỏi lại: “Máy bay biến mất khỏi màn hình, anh cố gắng liên lạc nhưng lại là một máy bay khác?”. Nhân viên ở TP HCM đáp: “Đúng rồi, chúng tôi dò tất cả tần số chúng tôi có và tất cả máy bay nhưng không có phản hồi (của MH370)”.
Cau chuyện sau đó tạm ngưng.
Chính phủ Malaysia và Úc cho biết họ vẫn hy vọng tìm thấy MH370, mặc dù hiện tại chỉ có một phần cánh phụ phát hiện trên đảo Reunion của Pháp được xác nhận thuộc về chuyến bay mất tích. Hai mảnh vỡ khả nghi khác được tìm thấy trong tuần qua, gồm 1 mảnh ở Mozambique và 1 mảnh ở đảo Reunion, đang được kiểm tra.
Trong thông cáo ngày 8-3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cam kết làm tất cả mọi thứ trong khả năng để làm sáng tỏ một “bí mật đau đớn” cho thân nhân những người gặp nạn.
Ông Razak cho biết thêm một khi quá trình tìm kiếm 120.000 km vuông ở phía Nam Ấn Độ Dương hoàn thành, các chính phủ sẽ họp bàn để xác định bước kế tiếp.
Tuy nhiên, Giám đốc Cục An toàn Giao thông vận tải Úc (ATSB) Martin Dolan nói với đài BBC rằng kế hoạch tìm kiếm sẽ kết thúc nếu không có thông tin và bằng chứng mới. Đến nay cuộc tìm kiếm đã ngốn hơn 130 triệu USD.
Gia đình của 12 hành khách Trung Quốc hôm 6-3 đệ đơn kiện ở Bắc Kinh, mục tiêu xác định nguyên nhân vụ mất tích và những người chịu trách nhiệm về thảm kịch. Gia đình của 32 hành khách khác, chủ yếu là Trung Quốc, cũng nộp đơn kiện ở Malaysia. Thêm gia đình 43 hành khách khiếu nại ở New York – Mỹ.
Thỏa thuận quốc tế cho phép thân nhân người gặp tai nạn máy bay được phép khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ khi vụ tai nạn xảy ra.
Bình luận (0)