xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Giết hoặc bị giết" trong rừng sâu

CAO LỰC

Những kẻ đào trộm vàng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng và môi trường sống của các thổ dân nguyên thủy ở vùng Amazon

Giới chức Brazil đang điều tra vụ thảm sát 10 thổ dân của một bộ lạc nguyên thủy sống tách biệt trong rừng rậm Amazon, gần biên giới Brazil với Peru và Colombia.

Đụng độ đẫm máu

Trước đó, một nhóm đào trộm vàng khoe khoang về việc vô tình gặp và sát hại các thổ dân, quăng thi thể nạn nhân xuống sông Jandiatuba. Sau khi ra tay, bọn họ đến ăn nhậu tại một quán rượu dọc biên giới Colombia rồi khoe chiến tích. Những lời lẽ máu lạnh này đã được ghi âm và chuyển đến nhà chức trách, dẫn đến cuộc điều tra. Ít nhất 2 nghi phạm đã bị bắt giữ.

Bà Leila Silvia Burger Sotto-Maior, quan chức Cơ quan phụ trách các vấn đề bản địa Funai, cho biết họ đã gửi đơn khiếu nại chính thức đến văn phòng công tố của bang Amazonas. "Bọn họ thậm chí còn khoe khoang về việc chặt thi thể các thổ dân và ném xuống sông. Bọn họ tuyên bố rằng phải giết các thổ dân, nếu không sẽ bị họ giết" - bà Sotto-Maior cho biết.

Survival International, tổ chức hoạt động vì quyền lợi của các bộ lạc nguyên thủy, cảnh báo vụ thảm sát mới nhất, nếu được xác nhận, sẽ làm giảm một tỉ lệ đáng kể thổ dân của bộ lạc (khoảng 20%) vì hầu hết bộ lạc nguyên thủy ở Amazon đều rất nhỏ.

Công tố viên phụ trách vụ việc, ông Pablo Luz de Beltrand, xác nhận một cuộc điều tra đã được tiến hành, đồng thời nhận định vụ thảm sát nhiều khả năng xảy ra vào tháng trước ở thung lũng Jarvai, nơi ở của khoảng 20 trong số 103 bộ lạc sống cô lập ở Brazil.

"Chúng tôi đang điều tra vụ việc. Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ quá rộng lớn và bị hạn chế tiếp cận. Những bộ lạc này sống tách biệt với thế giới bên ngoài và ngay cả Funai cũng có rất ít thông tin về họ. Do đó, cuộc điều tra hết sức khó khăn và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều cơ quan chính phủ" - ông Beltrand nói và cho biết đây là vụ thảm sát thổ dân Amazon thứ hai mà ông tiến hành điều tra trong năm nay. Vụ đầu tiên được trình báo xảy ra vào tháng 2 và hiện chưa có kết quả điều tra.

Giết hoặc bị giết trong rừng sâu - Ảnh 1.

Các thổ dân nguyên thủy trong vùng rừng rậm Amazon Ảnh: FUNAI

Cung tên đấu súng

Nếu tội ác trên được xác nhận đã diễn ra, đây sẽ là bằng chứng mới nhất cho thấy mối đe dọa đang tăng nhằm vào các bộ lạc nguyên thủy ở Brazil. Báo Courier Mail (Úc) nhận định bọn đào trộm vàng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tính mạng và môi trường sống của các thổ dân nguyên thủy. Một phần lý do là những người này mang theo các mầm bệnh mới cũng như làm ô nhiễm sông và rừng Amazon.

Mối đe dọa này không chỉ gói gọn ở Brazil. Hồi tháng 5-2016, chính phủ Peru ban bố tình trạng khẩn cấp 60 ngày ở khu vực Madre de Dios, thuộc Amazon, vì ô nhiễm thủy ngân gây ra bởi nạn khai thác vàng trái phép.

Các vụ đụng độ đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa thổ dân Amazon với những kẻ đào trộm vàng và trong cuộc chiến không cân sức này, thổ dân thường thất thế. Trang tin Mongabay dẫn nguồn Conselho Indigenista Missionário (CIMI), tổ chức chuyên thu thập số liệu liên quan đến các bộ lạc nguyên thủy sống ở Brazil, cho biết chỉ tính riêng năm 2015 đã có 134 thổ dân Amazon ở nước này bị những kẻ đào trộm vàng sát hại.

Ở chiều ngược lại, theo Funai, bộ lạc Yanomami sinh sống tại bang Roraima - Brazil đã dùng cung tên bắn chết 6 kẻ đào trộm vàng trong một động thái được cho là bảo vệ lãnh thổ vào tháng 11-2016.

Tờ The New York Times dẫn lời bà Sotto-Maior cho biết dưới thời Tổng thống Michel Temer, Brazil giảm mạnh ngân sách bảo vệ các bộ lạc nguyên thủy. Ngân sách của Funai trong năm nay là 2 triệu reais (khoảng 650.000 USD), so với 7,5 triệu reais trong năm 2014.

Vào tháng 4 vừa qua, Funai buộc phải đóng 5 trong số 19 cơ sở giám sát và bảo vệ những bộ tộc sống cô lập khỏi sự đe dọa của các nhóm tội phạm và những kẻ đào trộm vàng, đồng thời cắt giảm nhân viên do kinh phí hạn hẹp. 3 trong số 5 trạm bảo vệ bị đóng cửa thuộc khu vực thung lũng Jarvai.

"Nếu thông tin về vụ thảm sát được xác nhận, đây sẽ là vụ việc mới nhất xuất phát trực tiếp từ việc chính phủ Brazil không bảo vệ được các bộ lạc sống cô lập - điều được quy định trong hiến pháp" - bà Sarah Shenker, nhà hoạt động của tổ chức Survival International, nhấn mạnh.

Mới đây, trong một động thái khiến các nhà hoạt động giận dữ, Tổng thống Temer vào cuối tháng 8 ký sắc lệnh bãi bỏ quy chế bảo tồn thiên nhiên đối với 46.000 km2 rừng Amazon nằm ở các bang phía Bắc Brazil là Amapa và Para, qua đó mở đường cho các công ty khai thác mỏ hoạt động trong khu vực. Mặc dù chính phủ Brazil khẳng định 9 địa điểm bảo tồn và các bộ lạc nguyên thủy sống trong khu vực sẽ tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt, các nhà hoạt động vẫn không khỏi hoài nghi.

Ông Maurício Voivodic, người đứng đầu văn phòng của tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Brazil, cảnh báo rằng hoạt động khai thác mỏ trong khu vực sẽ dẫn đến "bùng nổ dân số, tàn phá rừng, phá hủy tài nguyên nước, mất đa dạng sinh học và xung đột đất đai". Khi xung đột đất đai xảy ra, theo các nhà hoạt động, thổ dân nguyên thủy là những người chịu hậu quả nặng nề nhất bởi thông thường, đó là cuộc chiến giữa "cung tên và súng đạn".

Sau khi một tòa án liên bang ở Brazil ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh gây tranh cãi nói trên, chính quyền Tổng thống Temer ngày 25-9 quyết định từ bỏ ý định cho phép công ty tư nhân khai khoáng tại khu vực được bảo tồn. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo