Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu hôm 20-3, sau vụ tập đoàn ngân hàng UBS mua lại đối thủ Credit Suisse tại Thụy Sĩ.
Theo AP, tại châu Á, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông - Trung Quốc) có thời điểm giảm tới 3,3%, Nikkei 225 (Nhật Bản) và S&P-ASX 200 (Úc) cùng giảm 1,4%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,7%… Trong khi đó, chỉ số DAX (Đức), CAC 40 (Pháp) và S&P 500 (Mỹ)… cũng giảm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng, còn đồng euro, đồng bảng và AUD đều tăng giá so với đồng USD.
UBS sẽ trả 3 tỉ franc Thụy Sĩ (gần 3,25 tỉ USD) để mua lại Credit Suisse và cả khoản lỗ lên tới 5,4 tỉ USD của đối thủ 167 năm tuổi. Để chốt lại "thỏa thuận lịch sử" này cần đến bàn tay của chính phủ Thụy Sĩ sau khi kế hoạch vay ngân hàng trung ương 50 tỉ franc (gần 54 tỉ USD) của Credit Suisse không làm yên tâm nhà đầu tư và khách hàng.
Nằm trong số 30 ngân hàng quan trọng hàng đầu thế giới, cả quy mô lẫn tác động tiềm tàng của Credit Suisse đối với kinh tế toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với vụ sụp đổ các ngân hàng cấp vùng của Mỹ.
Theo kênh CNBC, cân đối kế toán của Credit Suisse cuối năm 2022 vào khoảng 530 tỉ franc, gấp đôi quy mô của Lehman Brothers’ khi ngân hàng của Mỹ sụp đổ vào năm 2008. Chưa kể, Credit Suisse có kết nối rộng khắp.
Màn hình hiển thị chỉ số thị trường Thụy Sĩ (SMI) bên ngoài ngân hàng UBS ở Zurich ngày 20-3 Ảnh: REUTERS
Do đó, giới chức Thụy Sĩ phải gây sức ép để sáp nhập 2 ngân hàng lớn nhất nước - tổng tài sản được đầu tư vào ngân hàng sau sáp nhập là 5.000 tỉ USD, lượng tài sản kết hợp chiếm 140% GDP của Thụy Sĩ.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cam kết cho vay tới 100 tỉ franc (khoảng 108 tỉ USD) để hỗ trợ vụ mua lại, còn chính phủ nước này cung cấp khoản bảo đảm 9 tỉ franc để "giảm rủi ro cho UBS". Theo thỏa thuận, cứ 22,48 cổ phiếu Credit Suisse đổi được 1 cổ phiếu UBS.
Không lâu sau cuộc họp báo thông báo thỏa thuận vào cuối ngày 19-3 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác đồng loạt khen ngợi phản ứng của Thụy Sĩ và trấn an thị trường.
Theo Reuters, trong một phản ứng toàn cầu chưa từng có từ thời đỉnh dịch COVID-19, FED nói đã phối hợp với ngân hàng trung ương tại Canada, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản của thị trường. Nếu cần, ECB sẽ cho các ngân hàng trong khu vực đồng euro vay.
Tại Mỹ, tình hình tiền gửi đã ổn định trong ngày 19-3, theo Reuters. FED cho biết trong tuần lễ tính đến ngày 16-3, các ngân hàng thiếu tiền mặt đã vay khoảng 300 tỉ USD. Dù vậy, căng thẳng vẫn còn, bất chấp nhiều ngân hàng lớn đồng lòng bơm 30 tỉ USD để ổn định ngân hàng First Republic.
Trong khi Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) dự định tái rao bán ngân hàng Silicon Valley (SVB) thì ngân hàng New York Community đã đồng ý mua lại một phần ngân hàng Signature với thỏa thuận 2,7 tỉ USD. Sự sụp đổ của SVB và Signature gần đây đã làm chao đảo hệ thống ngân hàng.
Trong ngày 20-3, giới chức châu Á cũng lên tiếng bảo đảm hệ thống ngân hàng của họ vẫn ổn định. Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) khẳng định tổng tài sản của chi nhánh Credit Suisse tại đây vào khoảng 100 tỉ HKD, chiếm chưa tới 0,5% tổng tài sản của mảng ngân hàng đặc khu này.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết hoạt động của Credit Suisse tại quốc đảo này vẫn bình thường và hệ thống ngân hàng Singapore không bị ảnh hưởng. Tương tự là các trấn an của ngân hàng trung ương Úc và Nhật…theo CNBC.
Bất chấp những cam kết nêu trên, theo AP, tâm lý chung của các nhà đầu tư vẫn là lo ngại. Cổ phiếu của Credit Suisse có lúc giảm 63% trong phiên giao dịch sớm 20-3 (giờ địa phương), còn cổ phiếu UBS giảm 14%.
Ngoài ra, theo thỏa thuận giữa UBS - Credit Suisse, lượng trái phiếu xấp xỉ 16 tỉ franc (17,3 tỉ USD) của Credit Suisse sẽ bị "xóa sổ". Như vậy, một số trái chủ của Credit Suisse sẽ là bên chịu thiệt hại lớn.
Bình luận (0)