Đầu tháng 3 này, cảnh sát TP Imperia - Ý tịch thu siêu du thuyền của tỉ phú Alexey Mordashov, người giàu thứ 4 nước Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh trừng phạt đối với ông Mordashov vào ngày 28-2 - 4 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khối tài sản đồ sộ của nhà tài phiệt 56 tuổi này ở châu Âu dường như đang bị phong tỏa.
Tuy nhiên, ông trùm ngành thép này cũng đã có những động thái riêng. Hôm tỉ phú Mordashov bị trừng phạt cũng là ngày ông chuyển quyền kiểm soát khoảng 1,1 tỉ USD cổ phần trong Công ty Nordgold (trụ sở ở London - Anh) cho người vợ Marina Mordashova.
Ông cũng chuyển một phần lớn trong số cổ phiếu trị giá 1,7 tỉ USD từ Tập đoàn TUI AG (trụ sở tại Hanover - Đức) sang một công ty được thành lập ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Khi nhiều nhà lập pháp trên thế giới gia tăng sức ép lên một vài nhân vật trong giới tinh hoa Nga để gây sức ép với Tổng thống Vladimir Putin, họ thường nhắc đến siêu du thuyền, căn hộ sang trọng và các câu lạc bộ thể thao bị phong tỏa, như một dấu hiệu cho thấy chiến dịch trừng phạt đang phát huy tác dụng.
Siêu du thuyền của tỉ phú Nga Andrey Igorevich Melnichenko đậu tại TP Trieste - Ý hôm 12-3, sau khi bị cảnh sát Ý thu giữ Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, giới tài phiệt Nga đã âm thầm thực hiện một loạt động thái, bao gồm chuyển quyền sở hữu cổ phiếu, rời ghế hội đồng quản trị và từ bỏ quyền kiểm soát. Tất cả đều là một phần trong cuộc đua với làn sóng trừng phạt của Mỹ, Anh và EU nhằm tái cấu trúc tài sản khi còn có thể.
Một ví dụ là tỉ phú Mikhail Fridman, người bị EU trừng phạt cùng với tỉ phú Mordashov và đối tác Petr Aven. Các hồ sơ cho thấy 2 ngày sau lệnh trừng phạt, nhà tài phiệt 57 tuổi này đã nhượng lại quyền kiểm soát đối với ít nhất 3 công ty ở Anh, nơi ông không bị trừng phạt. Ông Fridman đã chuyển số cổ phiếu đó cho một cựu nhân viên của LetterOne (Luxembourg), công ty đầu tư do ông đồng sáng lập.
Lệnh trừng phạt yêu cầu các ngành công nghiệp tuân thủ và các công ty phải nhanh chóng "đào xới" các lớp quyền sở hữu doanh nghiệp để tìm kiếm, đóng băng và báo cáo những tài khoản liên quan.
Các tổ chức tài chính có thể mất thời gian để xác định những tài khoản liên quan một cá nhân bị trừng phạt, chuyên gia Howard Mendelsohn của Công ty Kharon (trụ sở Los Angeles - Mỹ) nhận xét, đồng thời cho biết cá nhân này có thể sử dụng quãng thời gian đó để thuê luật sư, xem xét thay đổi quyền sở hữu và dịch chuyển tài sản.
Trong khi đó, chuyên gia Benjamin Maltb của Công ty Keystone Law (Anh) cho rằng đóng băng tài sản chỉ là phần việc đơn giản. Quyết định làm gì với chúng mới là phần khó và có thể dẫn đến những cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm. Theo phần lớn giới chuyên gia, bản thân lệnh trừng phạt không trao cho chính phủ các nước quyền sở hữu mặc định đối với tài sản phong tỏa.
Theo luật pháp Mỹ và phần lớn các nước châu Âu, quyền sở hữu tài sản bị đóng băng vẫn thuộc về các nhà tài phiệt nhưng họ không thể chuyển nhượng hoặc bán chúng. Để thực sự chiếm quyền sở hữu tài sản của một nhà tài phiệt, các công tố viên chính phủ phải chứng minh đó là tài sản bất chính - một nhiệm vụ chẳng dễ dàng, giới chuyên gia pháp lý khẳng định với đài CNBC.
Ai gánh chi phí chăm sóc du thuyền và biệt thự bị tịch thu cũng là một vấn đề phức tạp, nhất là khi các nhà tài phiệt có thể từ chối thanh toán. Giới chức các nước thậm chí không thể thu tiền từ các nhà tài phiệt vì họ không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với những cá nhân bị trừng phạt.
Giao tranh Nga - Ukraine leo thang
Giới chức Ukraine khẳng định Nga đã leo thang cuộc xung đột vào ngày 13-3 với một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự ở TP Yavoriv, cách biên giới Ba Lan 10 km, khiến ít nhất 60 người thương vong. Thông tin này được các hãng thông tấn lớn công bố chiều cùng ngày dù chính phủ Nga chưa phản hồi với yêu cầu bình luận, theo Reuters, giữa lúc lực lượng Nga tiếp tục tiến về phía các thành phố ở Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev, bất chấp sự kháng cự quyết liệt từ Ukraine.
Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột vũ trang nhưng "sẽ không đầu hàng hoặc chấp nhận tối hậu thư". Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Jerusalem là "địa điểm mang tính xây dựng" để tổ chức các cuộc đàm phán Nga - Ukraine.
Không lâu sau tuyên bố nêu trên của nhà lãnh đạo Ukraine, báo The Jerusalem Post dẫn nguồn tin ngoại giao mật cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev ở Jerusalem.
Bình luận (0)